Toàn cảnh buổi làm việc giữa Ban Kinh tế Trung ương và Tỉnh ủy Bạc Liêu. |
Tham dự buổi làm việc có ông Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lê Minh Khái, Chủ tịch UBND tỉnh.
Tại buổi làm việc, Bí thư tỉnh Bạc Liêu Võ Văn Dũng cho biết, nền kinh tế của tỉnh duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, bình quân giai đoạn 2011 - 2013 đạt 12,2\%; tổng GDP tăng từ 8.476 tỷ đồng năm 2010 lên 11.971 tỷ đồng năm 2013. Về tình hình thực hiện tái cơ cấu kinh tế, tỉnh đã ban hành Kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và đang tiếp tục hoàn thiện các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực sản xuất. Từng bước thực hiện chuyển dịch từ phát triển theo chiều rộng (chủ yếu lấy số lượng làm mục tiêu) sang phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, sản xuất có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, có năng suất và giá trị gia tăng cao.
Thực hiện Kết luận 56/KL-TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tỉnh đã thành lập quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Bạc Liêu vào cuối năm 2012 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng; hỗ trợ tư vấn về pháp lý, quy trình, hồ sơ, thủ tục thành lập và hỗ trợ một phần kinh phí đối với tổ hợp tác - hợp tác xã chuẩn bị thành lập; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, dạy nghề cho thành viên và người lao động trong khu vực kinh tế tập thể; hỗ trợ về đất đai, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất….
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khảo sát dự án điện gió Bạc Liêu. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ vui mừng trước những đổi thay của tỉnh Bạc Liêu, đồng thời đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Bạc Liêu đã đạt được gần 4 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã đạt được nhiều thành tích, các chỉ tiêu ước đều đạt và vượt. Trên từng lĩnh vực, đều có những đường hướng phát triển rõ ràng, hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Kinh tế duy trì tăng trưởng ở mức khá cao; thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 34,27 triệu đồng. Nhiều chương trình, dự án động lực nhằm thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển, nhất là các công trình, dự án về công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp, hạ tầng giao thông, đặc biệt là Dự án Nhà máy điện gió đã hoàn thành và vận hành hòa vào lưới điện quốc gia với 10 trụ turbine, công suất 16 MW, đang triển khai giai đoạn 2 với 52 trụ turbine, tổng công suất 83,2 MW. Toàn tỉnh có 17 nhà máy chế biến thủy sản được trang bị công nghệ hiện đại, công suất chế biến xuất khẩu 70 ngàn tấn/năm, giá trị xuất khẩu bình quân 320 triệu USD/năm.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cũng đánh giá cao việc thu hút đầu tư của Bạc Liêu đã có thay đổi cách nghĩ cách làm, bằng phương cách phát triển, có chuyển biến rất rõ, xây dựng môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh hấp dẫn, thông thoáng, đơn giản thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp triển khai sản xuất kinh doanh hiệu quả. Từ đó mà chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh đã tăng lên từng năm, năm 2009 xếp thứ 59/63 tỉnh, năm 2013 xếp hạng 14/63 tỉnh thành của cả nước.
Chia sẻ với những khó khăn của tỉnh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cũng lưu ý tỉnh cần tập trung phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, tiếp tục tạo sự khác biệt trong lợi thế cạnh tranh dựa trên tiềm năng, lợi thế hiện có; thúc đẩy phát triển điện gió, chú trọng phát triển doanh nghiệp theo hướng công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản. Đồng chí cũng ghi nhận và sẽ xem xét những kiến nghị của tỉnh để có ý kiến với Trung ương, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, những đề án nào trình Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương sẽ xem xét, quan tâm ủng hộ.