Những ngày qua, một số hội nhóm, mạng xã hội đã lan truyền tin đồn Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, MCK: HAG) không đủ tiền trả nợ trái phiếu.
Tin đồn này xuất phát từ một thông báo công bố thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu tới hạn của HAGL. Theo thông báo này, ngày 30/12/2022 là ngày thanh toán 140,3 tỷ đồng lãi vay và 881 tỷ đồng gốc vay của lô trái phiếu đã phát hành (mã HAGLBond16.26), tuy nhiên HAG dự kiến thời gian thanh toán là quý II/2023.
Khu chăn nuôi của HAGL tại tỉnh Gia Lai.
Trong thông báo của HAGL cũng nêu rõ “hiện tại đã thỏa thuận lộ trình trả nợ 3 bên”. Thông báo trên của HAG được công bố theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, với tất cả doanh nghiệp nợ trái phiếu phải công khai thông tin hàng tuần.
Tuy nhiên, một số hội nhóm đã sử dụng thông tin mà Hoàng Anh Gia Lai công bố để "giật tít", "câu" view gây hoang mang cho nhà đầu tư, cổ đông HAG.
Trong thư gửi cổ đông HAG hồi tháng 12/2022, Hoàng Anh Gia Lai đã cập nhật tình hình của công ty đến tháng 11/2022. Theo thông báo này, lũy kế đến tháng 11, doanh thu thuần của HAG đạt 4.100 tỷ đồng, trong đó ngành chăn nuôi đạt 1.349 tỷ đồng, ngành cây ăn trái đạt 2.132 tỷ đồng và ngành phụ trợ đạt 619 tỷ đồng. Kết quả này giúp HAG lãi sau thuế 1.115 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch đề ra trong năm 2022.
Còn báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 của HAG cho thấy, tổng tài sản của công ty đang ở mức 19.338 tỷ đồng. Trong khi, vay nợ tài chính của HAG ở mức 8.624 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đến từ nợ dài hạn là các trái phiếu được phát hành từ các năm 2012, 2016 và 2020 và có thời hạn đến năm 2026.
Cũng theo báo cáo tài chính quý III/2022, HAG có khoản thu ngắn hạn 1.133 tỷ đồng của CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (MCK: HNG) và các công ty con của HNG. Đây có thể coi là “nguồn dự trữ” của HAG để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn.
Nông trại chuối của HAGL tại Lào.
Các doanh nghiệp đầu tư cần nguồn vốn rất lớn, nên việc vay nợ là không thể tránh khỏi. Có những tập đoàn, cả công ty mẹ, công ty con phát hành hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu, có những lô trái phiếu thậm chí không có tài sản đảm bảo.
Theo Báo cáo của Hiệp Hội thị trường trái phiếu Việt Nam, trong năm 2021, tổng khối lượng phát hành trong nước đạt 658.009 tỷ đồng, song có đến 29% khối lượng trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo, hoặc chỉ đảm bảo bằng cổ phiếu. Có những doanh nghiệp phát hành khối lượng phát hành trái phiếu cao hơn 5 lần vốn điều lệ.
Về HAG, tập đoàn này có vốn góp chủ sở hữu là 9.275 tỷ đồng, dư nợ trái phiếu 5.840 tỷ đồng. Những lô trái phiếu này đều có tài sản đảm bảo thế chấp tại ngân hàng.
Hơn thế nữa, kết quả kinh doanh trong năm 2022 của HAG cho thấy, Tập đoàn đang dần “hái quả ngọt” khi mà 9 tháng đầu năm doanh thu thuần HAG đạt 3.471 tỷ đồng, tăng 154% và lợi nhuận sau thuế đạt 892 tỷ đồng, gấp 30 lần so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng công ty mẹ đạt 890 tỷ đồng. Tổng tài sản của của Hoàng Anh Gia Lai sau 9 tháng năm 2022 cũng tăng thêm gần 1.000 tỷ đồng.
Những kết quả trên giúp cổ phiếu HAG có những phiên tăng trần trong giai đoạn thị trường chứng khoán gặp nhiều khó khăn hồi cuối năm 2022.
Khép lại phiên giao dịch hôm nay (3/1), mã chứng khoán HAG tăng lên giá 9.490 đồng/cổ phiếu (gần bằng mức thị giá), duy trì năm phiên tăng liên tiếp.
PV