Nửa đầu giai đoạn từ EURO 2008 - World Cup 2018, bóng đá thế giới chứng kiến sự thống trị của trường phái tấn công hoa mỹ. Điển hình là đội tuyển Tây Ban Nha vô địch liên tiếp các kỳ EURO 2008, World Cup 2010 và EURO 2012 bằng lối chơi tiki-taka với nòng cốt là các cầu thủ Barcelona như Xavi, Iniesta,...
Tây Ban Nha từng thống trị bóng đá thế giới với lối chơi tấn công hoa mỹ. Ảnh: Thể thao & Văn hóa
Tuy nhiên, bóng đá thế giới là dòng chảy không ngừng nghỉ của những ý tưởng, phát kiến về chiến thuật, vị trí cầu thủ và nửa sau của giai đoạn trên chứng kiến sự sụp đổ của lối chơi tấn công hoa mỹ.
Mourinho được xem là đã nâng lối chơi phòng ngự thực dụng lên tầm nghệ thuật với tên gọi phòng ngự phản công bằng sơ đồ 4-2-3-1. Đỉnh cao của Mourinho là chức vô địch C1 cùng Porto, Inter Milan và cùng Real Madrid chấm dựt sự thống trị của Barcelona ở La Liga.
Hay những năm gần đây nhất là trào lưu của những hậu vệ cánh ảo với sơ đồ 3-5-2 hay 3-4-3.
Tờ Independent lấy dẫn chứng kể từ khi HLV Conte hồi sinh sơ đồ 3-5-2 ở Chelsea, có thời điểm 19/20 đội bóng ở Ngoại hạng Anh sử dụng sơ đồ chiến thuật này.
Gần gũi nhất có thể kể đến trường hợp của HLV Park Hang-seo. Sự thăng hoa của ông thầy người Hàn Quốc cùng đội tuyển Việt Nam gắn liền với sơ đồ hậu vệ cánh ảo với những Văn Hậu, Hồng Duy, Văn Thanh hay Trọng Hoàng.
Bồ Đào Nha từng chạm tới đỉnh cao nhờ thứ bóng đá thực dụng. Ảnh: Người Đưa Tin Pháp Luật
Quay lại thời điểm EURO 2016, Bồ Đào Nha lên ngôi vô địch bằng lối chơi thực dụng đến mức bị chê xấu xí. Cả giải đấu đó Ronaldo và các đồng đội chỉ ghi được 9 bàn, chịu trận hoàn toàn trước Pháp ở trận chung kết nhưng vẫn lên ngôi vô địch nhờ khoảnh khắc xuất thần của "kẻ đóng thế" Eder.
Tại World Cup 2018, Pháp sở hữu dàn công "đại bác" với những Paul Pogba, Kylian Mbappe, Antoine Griezmann. Tuy nhiên, "Gà trống" lên vô địch thế giới không phải bằng thứ bóng đá tấn công, mà là phòng ngự phản công xuất sắc.
Theo nghiên cứu chiến thuật tại World Cup 2018 của FIFA, Đội tuyển Pháp trung bình chỉ kiểm soát bóng 48% ở World Cup 2018. HLV Deschamps đã cho tuyển Pháp chơi một lối chơi thực dụng nhưng đầy tính hiệu quả.
Sở hữu hàng công "đại bác" nhưng tuyển Pháp vẫn gặt hái thành công bằng lối chơi phòng ngự phản công thực dụng. Ảnh: Thanh niên
Theo giới chuyên môn, EURO 2020 dù bị hoãn tới năm 2021 nhưng vẫn bị xem là tổ chức một cách miễn cưỡng, vội vàng trong bối cảnh thế giới chưa thể ổn định bởi đại dịch COVID-19.
Các cầu thủ 1 năm khi thì nghỉ dài, lúc thì phải thi đấu với mật độ 2-3 trận/tuần. Điều này khiến các cầu thủ bị căng mình, không đảm bảo thể lực. Kế hoạch tập trung của các đội tuyển quốc gia cũng bị gấp gáp hay vẫn bị xáo trộn vì COVID-19 dù EURO 2020 chỉ còn vài ngày nữa là khởi tranh.
Bóng đá cấp độ CLB đỉnh cao rất phức tạp. Kỹ thuật và chiến thuật được phân tích chi tiết hàng ngày trong khoảng thời gian vài tháng, thậm chí là nhiều năm. Trong khi đó, bóng đá cấp quốc gia, không ai có thể làm như vậy. Vì thế, bóng đá cấp đội tuyển đơn giản hơn so với cấp CLB.
Sự thiếu ổn định trong khâu chuẩn bị khiến các đội tuyển khó có thể xây dựng một lối chơi hoa mỹ, gắn kết và ưu tiên vào sự đơn giản, chắc chắn mà phù hợp nhất chính là phòng ngự phản công.
Trên thực tế, rất nhiều đội tuyển lớn cũng đang chạy đà trước thềm EURO 2020 với lối chơi phòng ngự phản công như Pháp, Bồ Đào Nha, Italy, Đan Mạch,...
Như ông Jonathan Wilson, tác giả cuốn sách “Inverting The Pyramid: The History of Football Tactics” (Tạm dịch: Đảo ngược kim tự tháp: Lịch sử chiến thuật trong bóng đá), nhận định: "Bạn không giành chiến thắng ở cấp đội tuyển bằng lối chơi tấn công. Ổn định là điều quan trọng nhất và giúp giành chiến thắng trong bóng đá".
Hoa Vũ (T/h)