Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trước ngày xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ, lãnh đạo TAND Phú Thọ lên tiếng

(DS&PL) -

Trước ngày xét xử vụ án vụ đánh bạc nghìn tỷ, TAND tỉnh Phú Thọ khẳng định chỉ tuân thủ theo pháp luật, không bị phụ thuộc vào bất cứ tác động nào khác từ bên ngoài.

Trước ngày xét xử vụ án đánh bạc nghìn tỷ trên mạng internet, lãnh đạo TAND tỉnh Phú Thọ khẳng định chỉ tuân thủ theo pháp luật, không bị phụ thuộc vào bất cứ tác động nào khác từ bên ngoài và sẽ đưa ra bản án hoặc quyết định một cách độc lập, đảm bảo tính nghiêm minh, đúng người, đúng tội…

Ngày mai (12/11), TAND tỉnh Phú Thọ sẽ đưa ông Phan Văn Vĩnh, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cùng 90 đồng phạm trong vụ án “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”; “Tổ chức đánh bạc”; “Đánh bạc”; “Mua bán trái phép hóa đơn”; “Rửa tiền”; “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” ra xét xử sơ thẩm.

Dự kiến có khoảng 500 công an tham gia bảo vệ phiên tòa này. Theo kế hoạch, phiên tòa sẽ dành khoảng 10 ngày xét hỏi và 5 ngày để nghị án. Do tính chất đặc biệt của vụ án với 92 bị cáo và các lực lượng tham gia xét xử, TAND tỉnh Phú Thọ đã thiết kế phòng xét xử ngay tại sân tòa án với diện tích khoảng 1000 m2. Hiện công tác chuẩn bị cho phiên tòa cơ bản đã hoàn tất.

Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh và Cục trưởng Cục Cảnh sát Nguyễn Thanh Hóa. Ảnh: Tiền Phong

Trong số 92 bị cáo có 85 người đang được tại ngoại, phân bố ở hầu khắp các tỉnh trên cả nước và do địa phương quản lý. Để phục vụ phiên tòa, TAND tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan lên phương án cụ thể cho việc dẫn giải 85 bị cáo này.

Liên quan đến vụ án này, ngày 11/11, trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo TAND tỉnh Phú Thọ cho biết đây là một vụ án lớn, có rất nhiều bị cáo, trong đó có một số là những người có trình độ, học vấn, địa vị cao. Vì vậy, Hội đồng xét xử đã tập trung nghiên cứu kỹ hồ sơ để có thể làm rõ các tình tiết, điều hành tốt phiên tòa và xử lý vụ án khách quan, toàn diện.

Ngoài ra, HĐXX chỉ tuân thủ theo pháp luật, không bị phụ thuộc vào bất cứ tác động nào khác từ bên ngoài và sẽ đưa ra bản án hoặc quyết định một cách độc lập, đảm bảo tính nghiêm minh, đúng người, đúng tội…

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ, ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa cùng bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo khoản 2 Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015 với khung hình phạt tối đa 10 năm tù.

Cơ quan tố tụng cáo buộc đường dây tổ chức đánh bạc qua game bài Rikvip/Tip.club do Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương (chủ tịch HĐTV Công ty Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) cầm đầu.

Đường dây này gồm 25 đại lý cấp 1 cùng 5.877 đại lý cấp 2 và gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc, doanh thu tổ chức đánh bạc lên tới gần 10.000 tỷ đồng.

Cận cảnh phòng xét xử vụ án đánh bạc nghìn tỷ. Ảnh: VnExpress

Ông Phan Văn Vĩnh với chức vụ tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã lợi dụng Quyết định số 450/BCA ngày 4/2/2010 và Quyết định số 2436/QĐ-BCA ngày 11/5/2015 của Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của C50 để cùng ông Nguyễn Thanh Hóa chỉ đạo cấp dưới tham mưu ban hành Quyết định số 158/QĐ-C41 (C50) ngày 14/5/2015 về việc thành lập công ty bình phong thuộc C50 (Công ty CNC) trái với quyết định của Bộ Công an.

Đồng thời, những người này cho Công ty CNC được thuê sử dụng trụ sở số 10 Hồ Giám (quận Đống Đa, TP Hà Nội) do Tổng cục Cảnh sát quản lý.

Điều này khiến các đơn vị chức năng lầm tưởng Công ty CNC là công ty nghiệp vụ của Tổng cục Cảnh sát để tạo vỏ bọc cho Nguyễn Văn Dương và các đồng phạm tổ chức đánh bạc trên mạng Internet được thuận lợi.

Ông Vĩnh biết Công ty CNC hoạt động tổ chức đánh bạc nhưng không ngăn chặn, xử lý. Khi lãnh đạo Bộ Công an phát hiện Công ty CNC vận hành hai game bài RikVip.com và 23zdo.com là đánh bạc trá hình, có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã yêu cầu báo cáo.

Tuy nhiên, ông Vĩnh không chấp hành ý kiến chỉ đạo, đến khi có văn bản lần thứ hai sau 50 ngày mới chỉ đạo C50 tham mưu, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an nhưng báo cáo không đúng sự thật và không chỉ đạo ngăn chặn hành vi tổ chức đánh bạc.

Phiên tòa xét xử ông Vĩnh được diễn ra trên khoảng sân rộng 1.000m2 nằm giữa 3 tòa nhà xếp hình chữ U, phần mái tôn được công nhân lắp đặt kiên cố.

Theo quyết định, HĐXX gồm 5 người, 2 thẩm phán chính, 3 hội thẩm nhân dân. Trong đó thẩm phán - Chủ toạ phiên toà là bà Nguyễn Thị Thuỳ Hương - Chánh toà kinh tế (TAND tỉnh Phú Thọ), 4 kiểm sát viên của VKSND tỉnh Phú Thọ sẽ thực hành quyền công tố tại toà. Ngoài ra, phiên sơ thẩm còn có một thẩm phán dự khuyết, 2 hội thẩm nhân dân dự khuyết và hai thư ký phiên toà dự khuyết.

Phiên toà có sự tham gia của 92 bị cáo, 33 luật sư, một bị hại, 73 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, 14 người làm chứng và 3 điều tra viên của cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Phú Thọ).

Trong số 33 luật sư có 30 luật sư bào chữa các bị cáo, 3 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam và Tổng công ty viễn thông Mobifone; Công ty cổ phần thanh toán điện tử.

Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh và cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hoá, mỗi người có 3 luật sư đăng ký tham gia bào chữa. Người có nhiều luật sư đăng ký tham gia bào chữa nhất (5 người) là bị cáo Nguyễn Văn Dương.

Thời gian diễn ra phiên xét xử bắt đầu từ 8h ngày 12/11 đến khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm. Địa điểm mở phiên tòa: Trụ sở TAND tỉnh Phú Thọ. Vụ án được đưa ra xét xử công khai.

Nguyễn Phượng (T/h)

Tin nổi bật