Tây Du Kí là tác phẩm viết về hành trình đi Tây Thiên lấy kinh của 5 thầy trò Đường Tăng. Cụ thể, nhân vật Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh, trên đường đi thu nạp các đồ đệ là Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Ngộ Tĩnh và Bạch Long Mã.
Sau 81 kiếp nạn sinh tử, thầy trò Đường Tăng thăng giá Linh Sơn bái kiến Phật Tổ Như Lai. Đường Tăng và Tôn Ngộ Không đắc đạo thành Phật, Bạch Long Mã giữ chức Bát Bộ Thiên Long, Sa Ngộ Tĩnh và Trư Bát Giới giữ chức vị La Hán và Sứ giả.
Tuy nhiên, trước khi tu thành chính quả và một lòng hướng thiện, cả 5 nhân vật Tây Du Kí đều mắc tội "tày đình" và bị trừng phạt bằng việc đày xuống hạ giới.
Các nhân vật trong Tây Du Kí.
1. Đường Tăng
Nhân vật Đường Tăng trong Tây Du Kí vốn là một nhân vật lương thiện, luôn giữ được sự điềm tĩnh và lòng thương xót vạn vật trong mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, ít ai biết rằng trước đây, Đường Tăng cũng từng mắc tội nghiêm trọng như Tôn Ngộ Không.
Tác giả Ngô Thừa Ân từng miêu tả Đường Tăng là người có thân thế bất phàm. Trước đây, khi còn sống trên Thiên Cung, Đường Tăng từng là Kim Thiền Tử – đồ đệ thứ hai của Phật Tổ Như Lai.
Nhân vật Đường Tăng trong Tây Du Ký.
Tuy nhiên, do ngủ gật trong giờ giảng kinh và đá đổ hạt gạo, Kim Thiền Tử đã bị trừng phạt, đày xuống hạ giới tu luyện 10 kiếp rồi mới được trở lại Linh Sơn. Trong 9 kiếp đầu, khi Kim Thiền Tử đi lấy kinh, đến đoạn sông Lưu Hà, người đều bị Quyển Liêm (Sa Tăng) ăn thịt. Tới kiếp thứ 10, với sự bảo hộ của Tôn Ngộ Không và sự giúp đỡ của Bồ Tát, Kim Thiền Tử (tức Đường Tăng) mới có thể vượt qua ải này.
2. Tôn Ngộ Không
Một trong những nhân vật làm nên tên tuổi của Tây Du Kí phải kể đến Tôn Ngộ Không - hầu vương đại náo Thiên cung dẫn tới việc bị Phật Tổ Như Lai thu phục, giam dưới Ngũ Hành Sơn 500 năm. Tôn Ngộ Không vốn là con khỉ đá thác sinh do Trời – Đất, được thiên địa hoá dục mà thành. Bởi vậy, từ khi sinh ra, Tôn Ngộ Không vốn đã tài giỏi, mang sẵn tinh hoa đất trời.
Tôn Ngộ Không nhanh chóng bộc lộ tài năng, ngộ lẽ vô thường, tầm sư học đạo và được Ngọc Hoàng sắc phong làm Tề Thiên Đại Thánh. Thời gian đó, Tôn Ngộ Không đã ngao du khắp chân trời, góc biển, hưởng vinh hoa của Thiên đình.
Nhân vật Tôn Ngộ Không trong Tây Du Kí.
Tuy nhiên, bởi lắm tài nên cũng nhiều tật, Tôn Ngộ Không khi ấy cũng vô cùng kiêu ngạo, không sợ trời, không sợ đất nên đã làm nhiều chuyện “động trời” bao gồm cả đại náo Thiên cung. Ngộ Không nguyện ý từ bỏ dục vọng thành tâm đi theo con đường Phật pháp sau khi gặp Đường Tăng.
3. Trư Bát Giới
Trước kia, khi còn là đại quân Thiên đình, Trư Bát Giới từng được sắc phong danh hiệu Thiên Bồng Nguyên Soái, nắm giữ hơn 8 vạn quân. Tuy nhiên, vì tật phàm ăn, Trư Bát Giới đã "gây hoạ" lớn khiến Ngọc Hoàng nổi giận.
Cụ thể, trong một lần dự yến tiệc, Trư Bát Giới đã ăn uống quá chén tới mức "say khướt", cả gan chọc ghẹo Hằng Nga. Sau khi vụ việc đến tai Ngọc Hoàng, Trư Bát Giới đã bị đày xuống trần gian, đầu thai làm lợn.
Xuống tới hạ giới, Bát Giới vẫn không bỏ tật ham ăn và trăng hoa của mình. Hắn từng đóng giả một nam nhân, xin vào giúp việc cho gia đình họ Cao ở hạ giới vì muốn ở gần tiểu thư Cao Thuý Lan. Cao gia khi ấy không hề hay biết về thân phận thực sự của Bát Giới, chỉ thấy hắn chăm chỉ, chịu khó nên đã hứa gả con gái cho.
Nhân vật Trư Bát Giới trong Tây Du Kí.
Tuy nhiên, trong ngày trọng đại, do quá chén, Bát Giới vô tình để lộ thân phận và hình hài thật sự khiến tiểu thư Cao Thuý Lan hoảng sợ huỷ hôn. Bát Giới sau đó còn bắt cóc Cao tiểu thư, đúng lúc đó Tôn Ngộ Không và Đường Tăng tình cờ chứng kiến toàn bộ câu chuyện nên đã can thiệp, thu phụ Bát Giới. Từ đó, Trư Bát Giới đồng ý đi theo Đường Tăng tu hành.
4. Sa tăng
Vốn là Quyển Liêm đại tướng trên Thiên đình, chỉ vì nhỡ tay làm vỡ chiếc cốc lưu ly mà nhân vật Sa Tăng trong Tây Du Kí bị Ngọc Hoàng đày xuống làm yêu quái ở Lưu Sa Hà nơi hạ giới, chuyên làm hại dân lành và đòi ăn thịt trẻ con.
Nhân vật Sa Tăng trong Tây Du Kí.
Trong Thi thoại Đường Tam Tạng thỉnh kinh được viết trước khi tác phẩm Tây Du Kí ra đời, Sa Tăng từng nói với Tam Tạng pháp sư: "Dưới cổ ta là những đầu lâu của người mà ta đã từng ăn thịt".
Và đó chính là mạng sống của 9 hoà thượng trước đó, cũng chính là 9 kiếp trước của Đường Tăng. Về sau, nhờ sự giúp sức của Bồ Tát mà chính Đường Tăng lại cảm hoá được Sa Tăng ở kiếp thứ 10.
5. Bạch Long Mã
Bạch Long Mã gốc tên là Quảng Tấn, con trai của Tây Hải Long Vương, trước là Tam Thái Tử của Tây Hải Long Cung - một người khôi ngô tuấn tú, song vì làm hỏng báu vật mà Ngọc Hoàng Thượng đế ban tặng nên bị đày tội chết. Sau này, Quan Thế Âm Bồ Tát đã cho phò giá Đường Tăng để chuộc lại những lỗi lầm đã gây ra.
Nhân vật Bạch Long Mã trong Tây Du Kí.
Khi phò giá Đường Tăng, Tây Hải Long Vương Tam Thái Tử là một con ngựa, rất ít khi cùng các sư huynh tham gia chiến đấu với yêu quái, duy chỉ trong trận Hoàng bào quái là một lần hiếm hoi ông tham gia chiến đấu và báo cho Trư Bát Giới biết Đường Tăng đã bị Hoàng bào quái biến thành hổ.
Nhật Minh (T/h)