(ĐSPL) – Các nhà khoa học Trung Quốc có tham vọng khai thác nguồn tài nguyên quý hiếm trên mặt trăng nhằm giải quyết vấn đề khủng hoảng năng lượng trong tương lai.
Kể từ ngày con người đặt chân lên Mặt Trăng và đem về mẫu đất đá chứa hàm lượng titan và bạch kim và một số tài nguyên giá trị khác, các nhà khoa học Trung Quốc đang nhắm vào việc khai thác một chất đồng vị Helium có thể giải quyết vấn đề năng lượng trong tương lai.
|
Trung Quốc tham vọng khai thác chất đồng vị Helium-3 trên Mặt Trăng nhằm giải quyết vấn đề khủng hoảng năng lượng trên Trái đất |
Theo hãng tin BBC của Anh, giới khoa học Trung Quốc đang tiến hành một dự án nhằm khai thác Helium-3, một chất đồng vị phi phóng xạ hiếm có thể dùng để sản xuất năng lượng tới "một vạn năm".
Người đứng đầu nhóm các nhà khoa học tham gia vào chương trình khám phá Mặt Trăng của Trung Quốc, Giáo sư Ouyang Ziyuan, cho biết Mặt Trăng rất giàu Helium-3 do tác động của gió Mặt Trời.
Các nhà khoa học ước tính Helium-3 có thể cung cấp cho các nhà máy năng lượng nhiệt hạch. Và chỉ cần 2 tàu vũ trụ chất đầy Helium-3 khai thác từ mặt trăng, nặng khoảng 40 tấn, cũng có thể cung cấp năng lượng đủ cho toàn nước Mỹ trong một năm, với mức tiêu thụ năng lượng như hiện nay.
Chất đồng vị không chứa phóng xạ này không xuất hiện trên bề mặt Trái đất do bầu khí quyền và từ trường, trong khi Mặt Trăng lại không thể ngăn Helium-3 thấm sâu vào trong đất đá.
Nghiên cứu sinh tại Đại học Tamkan, Đài Loan Fabrizio Bozzato nhận định rằng Helium-3 có thể được khai thác bằng cách nung nóng lớp bụi Mặt Trăng đến nhiệt độ khoảng 600 độ C trước khi đưa về Trái đất.
|
Mô hình kế hoạch khai thác Helium-3 trên Mặt Trăng |
Mạng an ninh thế giới viết rằng Helium-3 có thể được chiết xuất bằng cách nung nóng bụi mặt trăng tới nhiệt độ khoảng 600 độ C, trước khi đưa trở lại trái đất. Giá Helium-3 khai thác từ Mặt Trăng lên tới 3 tỷ USD/tấn, khiến việc khai thác chất này trên Mặt Trăng là hoàn toàn khả thi về mặt kinh tế.
Các chuyên gia Mỹ ước tính sẽ phải mất 20 tỷ USD chi phí nghiên cứu và khai thác thử nghiệm trên Mặt Trăng trong vòng 2 thập kỷ tới.
Viễn cảnh này cũng đặt ra câu hỏi về việc ai sẽ sở hữu Mặt Trăng. Theo Hiệp ước hòa bình ngoài không gian của Liên hợp quốc mà Trung Quốc đã ký kết, các nguồn tài nguyên trên Mặt Trăng là của toàn nhân loại.