Ủy ban Olympic Quốc tế đã phân bổ 16 suất tham dự Olympic Paris 2024 cho môn bóng đá nam. Trong đó, Liên đoàn Bóng đá Châu Âu (UEFA) có 4 suất, bao gồm chủ nhà Pháp.
Liên đoàn Bóng đá Châu Phi (CAF) và Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC) có cùng 3 suất trực tiếp, ngoài ra hai đội xếp hạng 4 tại CAF và AFC sẽ đá play-off để tranh vé còn lại.
Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ (CONMEBOL) có 2 suất. Khu vực Bắc, Trung Mỹ và Caribe (CONCACAF) có 2 suất. Suất còn lại thuộc về Liên đoàn Bóng đá Châu Đại Dương (OFC).
Đây là lần thứ hai, châu Á có 3,5 suất tham dự môn bóng đá nam tại Olympic, sau Thế vận hội London 2012. Việc tăng suất mở ra cơ hội cho các đội bóng châu Á. Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc lại đón nhận thông tin này một cách không mấy vui vẻ.
U23 Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn vì việc không tham dự U23 châu Á 2022.
Giải U23 châu Á 2024 sẽ là vòng loại cho Olympic Paris khu vực châu Á. 3 đội có thứ hạng cao nhất sẽ giành vé trực tiếp đến Paris. Đội đứng thứ 4 phải đá play-off với đội hạng 4 của châu Phi để tranh vé cuối cùng.
Truyền thông Trung Quốc lo lắng rằng, việc không tham dự giải U23 châu Á 2022 sẽ khiến đội U23 nước này nhiều khả năng rơi xuống nhóm hạt giống số 5 (thấp nhất) ở vòng loại giải đấu sắp tới.
"Tháng 10 năm ngoái, Liên đoàn bóng đá Trung Quốc (CFA) đã yêu cầu đội U23 Trung Quốc rút lui khỏi vòng loại giải U23 châu Á 2022 vì lý do không đảm bảo an toàn và sức khỏe (do COVID-19). Tuy nhiên, quyết định đó giờ đây lại mang tới hậu quả không nhỏ", tờ Sohu cho hay.
Nhật báo Thanh niên Bắc Kinh cho rằng, nhiều khả năng U23 Trung Quốc sẽ nằm cùng nhóm với các đội Brunei, Bhutan, Guam, Quần đảo Bắc Mariana, Ma Cao (Trung Quốc) và Afghanistan.
Việc nằm ở nhóm hạt giống thấp nhất khiến U23 Trung Quốc rất dễ rơi vào bảng đấu khó. Khi đó, ngay cả việc lọt vào vòng chung kết U23 châu Á 2024 đã là điều khó khăn, chứ chưa nói đến chuyện tranh vé dự Olympic Paris.
Trong lịch sử, bóng đã Trung Quốc mới có 2 lần dự Thế vận hội vào các năm 1988 và 2008 (với tư cách chủ nhà).
Hoa Vũ (T/h)