"Zero COVID" (Không COVID) là chiến lược mà đa số các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương lựa chọn kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Tuy nhiên, với việc liên tục xuất hiện các biến thể mới và có khả năng lây nhiễm cao như Delta, cùng với đó là hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 và tỷ lệ tiêm chủng tăng cao, nhiều qua gia đã chuyển từ "Zero COVID" sang "sống chung an toàn với COVID".
Theo Reuters, New Zealand, quốc gia được xem là hình mẫu chống dịch với chiến lược "Zero COVID", hôm 4/10 cũng đã tuyên bố từ bỏ chiến lược loại trừ hoàn toàn virus này.
"Việc áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt trong thời gian dài không giúp chúng ta đạt được mục tiêu 'Zero COVID'", Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố.
Giờ đây, thay vì ngăn virus lây lan, họ tập trung vào giảm số ca nặng và tử vong, đồng thời nới lỏng các hạn chế.
Trong khi đó, Trung Quốc dường như ngày càng quyết tâm theo đuổi chiến lược loại trừ virus, những biện pháp nghiêm ngặt như đóng cửa biên giới, phong tỏa đột ngột. Dù những biện pháp mạnh mẽ này ít nhiều gây ảnh hưởng đến các hoạt động phát triển kinh tế xã hội.
Trung Quốc vẫn áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nghiêm ngặt dù đã kiểm soát thành công COVID-19. Ảnh: AP
Trung Quốc vẫn đang đi đúng hướng
Tờ The Paper dẫn lời Viện sĩ Chung Nam Sơn, chuyên gia dịch tễ hàng đầu Trung Quốc, cho biết, tư tưởng chỉ đạo của Bắc Kinh hiện nay là "phòng ngừa trước".
"Cho đến hiện tại, chúng ta vẫn đang đi đúng hướng. Chúng ta sẽ còn gặp nhiều biến thế khác của SARS-CoV-2 trong tương lai và sẽ cần có trước phương án phòng chống. Điều này là không thay đổi", ông Chung cho hay.
Không thể phủ nhận việc kiểm soát thành công dịch bệnh đã giúp Trung Quốc sớm trở lại cuộc sống bình thường, tiếp nhiệt cho đà phục hồi của nền kinh tế khi các quốc gia khác trên thế giới lao đao vì đại dịch.
Theo tờ Thanh niên Trung Quốc, Ngân hàng Thế giới hôm 28/9 đã phát hành ấn bản mùa thu năm 2021 của "Báo cáo Bán niên Kinh tế Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương", cho thấy, kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ còn tăng trưởng 8,5% trong năm 2021, bằng với mức dự báo của tháng 6 và cao hơn mức dự báo của Ngân hàng Thế giới cho toàn khu vực và các nước khác.
Aditya Matu, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, tin rằng điều này là do Trung Quốc đã đạt được hiệu quả tốt trong việc kiểm soát dịch bệnh, tích cực tạo ra môi trường tăng trưởng và sự hỗ trợ kịp thời của chính phủ.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi sự xuất hiện và lây lan của chủng biến thể Delta, dịch bệnh ở Đông Á và Thái Bình Dương đã bùng phát trở lại trong năm nay, khiến nhiều quốc gia phải tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Ngân hàng Thế giới cho rằng điều này đã gây ra những trở ngại trong sự phục hồi không đồng đều của khu vực và sự phục hồi kinh tế đang đứng trước nguy cơ đảo chiều.
Đặc biệt, khi các nền kinh tế lớn trên thế giới, đặc biệt là phương Tây đã bắt đầu hoạt động giao thương bình thường trở lại, Trung Quốc vẫn gần như "chặn liên lạc với thế giới". Các tác động đối với nền kinh tế xứ tỷ dân cũng ngày càng rõ nét hơn.
Chuyên gia dịch tễ hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn. Ảnh: The Paper
Khi nào Trung Quốc có thể mở cửa?
Theo The Paper, chuyên gia dịch tế hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn cũng cho rằng, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn ra trong thời gian dài thì việc áp dụng các phương pháp phòng ngừa, kiểm soát nghiêm ngặt nhất "cũng không hiệu quả" và "gánh nặng đối với Trung Quốc cũng rất lớn".
"Trung Quốc không thể tiếp tục như vậy trong một thời gian dài, bởi vì đây là một căn bệnh trên toàn thế giới, Trung Quốc và thế giới phải cùng nhau vượt qua nó", ông Chung Nam Sơn nhận định
Về câu hỏi khi nào Trung Quốc sẽ mở cửa trở lại, vị chuyên gia này nhấn mạnh "vaccine, vaccine và vaccine".
"Tiêu chuẩn để mở cửa là khi đạt điều kiện đại đa số mọi người đều được tiêm chủng, ít nhất 80% hoặc thậm chí hơn 85%. Sau khi tiêm phòng, chúng ta sẽ có khả năng phòng bệnh, đặc biệt là hiệu quả ngăn ngừa (tình trạng bệnh) trở nên tồi tệ hơn, có nghĩa là hầu hết chúng ta không có triệu chứng hoặc chỉ mắc bệnh nhẹ", ông Chung Nam Sơn cho hay.
Ông cũng chỉ ra rằng: "Tất cả các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia lớn, có tỷ lệ lây nhiễm và tỷ lệ tử vong thấp, cùng với tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao nên có thể được tự do hóa hoàn toàn".
Dân số Trung Quốc hiện khoảng 1,41 tỷ người, nếu 80% dân số được tiêm chủng thì tương đương khoảng 1,128 tỷ người. Nếu tỷ lệ tiêm chủng là 85% thì sẽ có 1,199 tỷ người được tiêm chủng.
Hiện Trung Quốc đã tiêm được hơn 2,2 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19, điều đó có nghĩa đã tiến rất gần đến mục tiêu tiêm chủng 80-85% và gần như sẽ sớm đáp ứng được điều kiện “mở cửa” mà Viện sĩ Chung Nam Sơn nói đến.
Tuy nhiên, vị chuyên gia dịch tễ hàng đầu Trung Quốc lưu ý rằng, bất kể là vaccine ngừa COVID-19 trong hay ngoài nước, hiệu quả đều sẽ giảm đáng kể sau nửa năm tiêm chủng. "Vì vậy, chúng tôi đang phát triển thêm vaccine và nghiên cứu cách tăng cường khả năng miễn dịch với COVID-19 để giải quyết vấn đề này", ông Chung Nam Sơn chia sẻ.
Trung Quốc hiện ghi nhận tổng cộng 96.335 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 4.336 trường hợp tử vong. Phần lớn số ca nhiễm và tử vong đều ghi nhận trong đợt bùng phát dịch đầu tiên ở thành phố Vũ Hán hồi đầu năm 2020.
Hoa Vũ (Theo The Paper, Thanh niên Trung Quốc)