Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trung Quốc kiểm soát chặt nông sản nhập khẩu, doanh nghiệp Việt cần làm gì?

  • Thủy Tiên
(DS&PL) -

Kiểm dịch, an toàn thực phẩm, truy xuất mã số vùng trồng... là những nội dung sẽ được phía Trung Quốc thực hiện nghiêm ngặt đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu.

Quy trình kiểm tra nghiêm ngặt

Tháng 4/2021, Trung Quốc liên tiếp ban hành 2 lệnh 248 và 249, quy định chặt chẽ hơn về quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu vào nước này.

Trung Quốc thường được coi là thị trường nhập khẩu “dễ tính” nhưng kể từ ngày 1/1/2022 tới đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải thay đổi để kịp thời thích ứng với các yêu cầu mới.

Trung Quốc kiểm soát chặt nông sản nhập khẩu.

Mới đây, phát biểu tại diễn đàn trực tuyến “Chia sẻ thông tin, thích ứng với quy định mới trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường Trung Quốc”, Tiến sĩ Lê Thanh Hoà, Giám đốc Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS Việt Nam), thông báo về một số thay đổi mới trong quy trình kiểm soát nông sản, thực phẩm theo lệnh 248 và 249 của Trung Quốc.

“Kể từ khi Trung Quốc hoàn thiện Luật An toàn sinh học năm 2020, Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức là đơn vị toàn quyền giám sát hoạt động nhập khẩu các sản phẩm có nguồn gốc động- thực vật vào thị trường này, vì vậy nhiều quy trình nhập khẩu cũng sẽ có thay đổi.

Trước đây, cơ quan giám sát an toàn thực phẩm của Trung Quốc sẽ sang Việt Nam để kiểm tra trực tiếp cơ sở sản xuất, xuất khẩu nhưng bây giờ, hoạt động kiểm tra này sẽ được Tổng cục Hải quan Trung Quốc thực hiện bằng phương pháp trực tuyến sau khi đã tiếp nhận hồ sơ từ phía nước xuất khẩu”, ông Hoà thông tin.

Tuy nhiên, Lệnh 248 chỉ yêu cầu đăng ký với những doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm vào Trung Quốc. Những doanh nghiệp xuất khẩu nguyên liệu đầu vào không thuộc đối tượng áp dụng quy định này.

“Lệnh 248, 249 không tác động nhiều đến các doanh nghiệp nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp phải chú ý và có những chính sách điều chỉnh sớm từ bây giờ”, Giám đốc SPS Việt Nam khuyến nghị.

Phát biểu tham luận tại Diễn đàn, TS.Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, so với trước đây, tiêu chuẩn quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật của Trung Quốc đã tăng thêm 81 loại. Như vậy, đã có 564 loại thuốc bảo vệ thực vật chịu mức giới hạn dung lượng.

“Để thuận lợi cho việc xuất khẩu, bên cạnh việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của WTO, các Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về các quy trình kiểm soát, và những tiêu chuẩn phía Trung Quốc đưa ra”.

Siết chặt công tác kiểm dịch

Ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục phó Cục BVTV (Bộ NN-PTNT) đưa ra một số thay đổi chính trong hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Bao gồm: Kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hình thức biên mậu (tiểu ngạch); Yêu cầu phải đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm; Quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức Ký kết nghị định thư; Yêu cầu khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Về quy định kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Trung Quốc, ông Đạt chia sẻ, trong danh mục 500 loại thực vật gây hại do phía Trung Quốc vừa đưa ra thì có nhiều loại thường phát hiện trên các loại hoa quả xuất khẩu của Việt Nam.

“Đây là vấn đề doanh nghiệp cần hết sức chú ý để thực hiện các biện pháp loại bỏ trước khi xuất khẩu. Tránh tình trạng hàng hóa bị trả lại gây thiệt hại về mặt kinh tế cũng như thương hiệu”, ông Đạt lưu ý.

Đẩy nhanh công tác cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cũng là một nội dung được đại diện Cục BVTV nêu ra. Bởi trong thời gian sắp tới, phía Trung Quốc sẽ kiểm soát rất chặt chẽ vấn đề này.

Đồng tình với quan điểm của Cục BVTV, ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, thuỷ sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, sau sự việc phát hiện virus Sars-Cov-2 bám trên bao bì và thùng đựng thanh long của Việt Nam, Trung Quốc đang kiểm soát rất chặt chẽ các bao bì, phương tiện vận chuyển thủy sản đông lạnh, thuỷ sản sống... gây kéo dài thời gian thông quan cho các sản phẩm xuất khẩu.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, thuỷ sản cũng thông báo, đến nay đã có 768 cơ sở chế biến, xuất khẩu thuỷ sản; 48 loài và 128 sản phẩm thủy sản được phép xuất khẩu vào nước này.

Ông Lê Bá Anh đề nghị các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản xuất khẩu cần đặc biệt lưu ý đến các chỉ tiêu về bệnh thuỷ sản, phụ gia chế biến thực phẩm bởi số lượng lô hàng thuỷ sản của Việt Nam sang Trung Quốc bị cảnh báo đang có chiều hướng tăng trong thời gian gần đây.

“Hiện nay Cục Quản lý chất lượng nông, thuỷ sản (Bộ NN-PTNT) đang đề nghị Trung Quốc bổ sung thêm 92 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản vào danh sách theo quy định của Lệnh 248”, ông Anh thông báo.

Tránh tình trạng bị động cho địa phương, doanh nghiệp

Phát biểu tại diễn đàn, ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận đề nghị Bộ NN-PTNT, Văn phòng SPS Việt Nam sớm ban hành các văn bản hoặc hướng dẫn cụ thể về các thủ tục theo quy định của 2 Lệnh này, tránh tình trạng bị động cho các địa phương, doanh nghiệp và HTX...

Ông Thang Thành Vỹ, Chủ tịch Hiệp hội hoa quả quốc tế Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) cho biết, khác biệt lớn nhất giữa hoa quả Việt Nam và Thái Lan khi nhập khẩu vào Trung Quốc là hoa quả Việt Nam hiện nay đang chịu kiểm soát 100%. Điều này khiến thời gian thông quan kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng hàng hóa và gây khó khăn cho doanh nghiệp 2 nước.

Ông Vỹ cũng hy vọng, Việt Nam và Trung Quốc sớm ký kết các thủ tục để đưa mức độ kiểm soát về mặt bằng chung, đảm bảo tính cạnh tranh công bằng.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An thông báo, tỉnh Long An đã xây dựng bộ quy chế thích ứng với Lệnh 248, 249 và chủ động xây dựng vùng nguyên liệu có thể truy xuất được nguồn gốc, gắn với trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp.

Nhằm giúp doanh nghiệp sớm cập nhật thông tin, nắm bắt tình hình về các thị trường lớn, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH An Huy, Long An đề xuất xây dựng thành lập một trung tâm chuyên trách thông tin những thị trường lớn là cần thiết.

Phát biểu kết luận, ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam khẳng định, sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên trách của Bộ NN-PTNT để kịp thời hướng dẫn, cung cấp thông tin về Lệnh 248, 249 của Trung Quốc cho doanh nghiệp.

Từ giờ tới tháng 12/2021, Văn phòng SPS Việt Nam sẽ tổ chức một chuỗi các Hội nghị để giới thiệu chuyên sâu về một số thị trường lớn. Các hoạt động tập huấn kỹ thuật liên quan đến công tác thực hành nông nghiệp tốt, sản xuất, thu hoạch, đóng gói, cấp mã số vùng trồng... cũng sẽ được SPS Việt Nam đẩy mạnh trong thời gian tới.

Ông Hòa cũng lưu ý, Trung Quốc không phải là thị trường duy nhất yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về hàng hóa xuất khẩu. Vì vậy, cần chủ động tìm hiểu kỹ thông tin về các thị trường khác mà doanh nghiệp có dự định xuất khẩu.

Theo TS.Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, nước ta hiện có 4 nhóm nông sản xuất khẩu chính vào thị trường Trung Quốc là ngũ cốc, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản và trái cây. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào thị trường này cần phải thông qua một số bước như đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc, khai báo đầy đủ thông tin về cửa khẩu nhập khẩu nông sản, mẫu bao bì, quy cách đóng gói...

Lê Tuấn

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 4(181)

Tin nổi bật