Báo cáo khảo sát mới nhất cho thấy hơn 300 triệu người Trung Quốc bị rối loạn giấc ngủ do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Hơn 300 triệu người Trung Quốc gặp vấn đề rối loạn giấc ngủ. Ảnh: CCTV |
Đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến mọi mặt trong cuộc sống của chúng ta và ở nhiều khía cạnh mà có thể nhiều người không nhận ra.
Theo báo cáo khảo sát về giấc ngủ mới nhất do Hiệp hội Nghiên cứu Giấc ngủ Trung Quốc công bố, hơn 300 triệu người nước này hiện gặp vấn đề rối loạn giấc ngủ. Cụ thể, hơn 3/4 trong số này đi ngủ sau 11 giờ đêm và gần 1/3 chỉ chìm vào giấc ngủ sau 1 giờ sáng.
Đặc biệt là trong năm 2020, dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thời gian ngủ trung bình của người Trung Quốc đã bị kéo dài từ 2 - 3 tiếng và từ khóa tìm kiếm các vấn đề về giấc ngủ cũng tăng 43%.
Trên thực tế, thời gian ngủ tốt nhất của người lớn là 6,5-7,4 tiếng mỗi ngày, vì vậy đảm bảo ngủ trung bình 7 tiếng mỗi ngày là cơ sở quan trọng để kéo dài tuổi thọ, vì 80% hormone tăng trưởng được tiết ra trong khi ngủ.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa thời gian ngủ càng dài thì càng có lợi, bởi ngủ quá lâu có thể khiến nguy cơ đột quỵ tăng lên đáng kể.
So với những người ngủ khoảng 7 tiếng mỗi ngày, những người ngủ trên 8 tiếng có tỷ lệ đột quỵ cao gấp đôi. Nếu trước đó họ có thói quen ngủ 6 tiếng và bây giờ thay đổi ngủ hơn 8 tiếng mỗi ngày, tỷ lệ đột quỵ có thể tăng lên 4 lần.
Thức khuya hay ngủ quá nhiều đều không có lợi cho sức khỏe. Ảnh minh họa |
Phương pháp cải thiện chứng mất ngủ
Điều chỉnh thời gian biểu
- Điều chỉnh sinh hoạt, sắp xếp thời gian làm việc một cách khoa học. Điều này giúp hình thành phản xạ đi ngủ đúng giờ và dậy đúng giờ.
- Trước khi đi ngủ, tuyệt đối không ăn no và uống nhiều nước.
- Nhiệt độ trong phòng ngủ phải mát vừa phải, tránh quá lạnh hoặc quá nóng.
- Tránh ngủ nhiều ban ngày.
- Hạn chế mang vào phòng ngủ những thứ có thể ảnh hưởng giấc ngủ như tivi, máy vi tính, điện thoại...
- Có thể tắm nước ấm để cơ thể thư giãn trước khi ngủ khoảng một đến hai tiếng. Không nên tắm trễ bằng nước lạnh và tắm sát giờ ngủ.
- Tập thể dục và vận động thường sẽ xuyên giúp cơ thể xua tan đi mệt mỏi.
- Khi lên giường ngủ, không nên làm gì. Nếu cảm thấy không thể ngủ được, sau 10-15 phút, hãy đứng dậy đi làm một việc khác.
- Nhiệt độ, độ ẩm môi trường: Môi trường quá ẩm sẽ gây ngột ngạt, quá khô khiến người bệnh đau họng, khô mũi miệng, khó ngủ.
- Nếu khi ngủ dậy, bạn thường có cảm thấy ê ẩm hay đau lưng thì có thể là do chăn gối được làm từ vật liệu không thích hợp.
- Không nên uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ.
Thư giãn tâm lý
Không suy nghĩ đến những áp lực, căng thẳng trước khi ngủ. Sau khi vừa kết thúc công việc trí óc hoặc chân tay nặng nhọc, không nên ngủ ngay. Thay vào đó, nên trò chuyện vui vẻ với bạn bè và người thân, đọc sách, đi dạo hay làm việc nhẹ nhàng. Ngoài ra, các hoạt động giãn cơ, thiền, yoga cũng có nhiều lợi ích cho giấc ngủ.
Thuốc và thực phẩm hỗ trợ
Nếu đã áp dụng các biện pháp thông thường trên mà vẫn cảm thấy khó ngủ thì các loại thực phẩm chức năng hay thuốc ngủ đôi khi là cần thiết. Nếu mất ngủ do bệnh lý tâm thần, trầm cảm, lo âu, rối loạn nhịp thức ngủ chu kỳ... thì nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị hợp lý.
Đặc biệt, không nên lạm dụng thuốc ngủ, chỉ sử dụng thuốc ngủ hay kể cả thực phẩm chức năng hỗ trợ giấc ngủ một cách hạn chế và khi thật cần thiết, theo chỉ định của bác sĩ.
Thuốc gây buồn ngủ sẽ tạo tác động ức chế hệ thần kinh. Điều này khiến cơ thể rơi vào trạng thái ngủ mà không phải xuất phát từ giấc ngủ tự nhiên. Do đó sẽ cực kì nguy hiểm khi lạm dụng nó. Những loại thuốc này nên được chỉ định khi thật cần thiết và từ thầy thuốc có chuyên môn.
Hoa Vũ (Theo Thời báo Hoàn Cầu)