Cam kết thúc đấy vũ trang cho quân đội của chính quyền Bắc Kinh đã khiến các công ty trong lĩnh vực này phát triển như vũ bão.
Trong khi cả sàn chứng khoán châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng đang lao đao vì chiến tranh thương mại thì một công ty sản xuất máy bay quân sự vẫn giữ vững vị trí và thậm chí tăng giá cổ phiếu.
Đó là công ty Công nghiệp và Công nghệ AviChina chuyên sản xuất máy bay huấn luyện, máy bay trực thăng vận chuyển và hệ thống điện tử dành cho máy bay. Sau khi chính quyền cam kết tăng cường trang bị hỏa lực cho quân đội, giá cổ phiếu công ty này đã tăng tới 40% tại Hong Kong kể từ đầu tháng 2/2018. Động thái này đã đưa AviChina vượt qua cả MSCI Asia Pacific Index - doanh nghiệp máy bay dân sự hàng đầu châu Á.
Mô hình một loại máy bay huấn luyện quân sự của AviChina - Ảnh: SCMP |
Theo Kelvin Lau, một nhà phân tích tại Daiwa Capital Markets, căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ khiến các nhà đầu tư quan tâm tới cổ phiếu các doanh nghiệp quốc phòng Trung Quốc như AviChina. Hầu hết các chuyên gia kinh tế của thời báo Bloomberg cũng có chung nhận định này.
Doanh thu quân sự của AviChina giờ đây đã vượt qua lợi nhuận từ máy bay hạng nhẹ phục vụ vận chuyển hàng hóa và nông nghiệp. Chính quyền Bắc Kinh cũng hy vọng chi tiêu quốc phòng sẽ tăng nhanh nhất trong vòng 3 năm tới, đạt mức 176 tỷ USD. Chủ tịch Tập Cận Bình đã bày tỏ tham vọng xây dựng lực lượng quân đội nhân dân Trung Hoa đạt "đẳng cấp thế giới".
Sean Xiang, một nhà phân tích thuộc Công ty Chứng khoán Guotai Junan, cho biết: "Trước đây, trọng tâm của AviChina là ngành công nghiệp máy bay dân sự quốc tế đã bị giới hạn bởi một số chính sách của Trung Quốc".
Tuy nhiên, từ năm 2017, doanh thu từ loại máy bay huấn luyện quân sự đã tăng 45% trong năm lên 1,44 tỷ NDT (230 triệu USD), trong khi doanh thu từ máy bay đa dụng giảm 89% xuống còn 209 triệu NDT (33 triệu USD).
Thu Phương (Theo Bloomberg)