Các nhà khoa học Trung Quốc đang phát triển một thiết bị để phát hiện côn trùng vỗ cánh trong phạm vi 2 km, có thể được sử dụng để cứu hàng triệu người, SCMP cho hay.
Theo một nhà khoa học hàng đầu tham gia vào dự án nghiên cứu của chính phủ, Trung Quốc đang phát triển một radar siêu nhạy có thể phát hiện tia cánh của con muỗi ở khoảng cách 2 km. Một mẫu nghiên cứu của thiết bị này đang được thử nghiệm tại phòng thí nghiệm quốc phòng ở Học viện Công nghệ Bắc Kinh (BIT).
Ông nói: "Bằng việc xác định và theo dõi sát sao, việc tiêu diệt muỗi không còn là khoa học viễn tưởng nữa. Chúng tôi thực sự đang tiến rất gần đến việc đưa công nghệ này ra khỏi phòng thí nghiệm và sử dụng để cứu sống con người".
Trung Quốc ứng dụng công nghệ radar quân sự vào tiêu diệt muỗi. Ảnh: SCMP |
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, muỗi đã cướp đi mạng sống của con người nhiều hơn tất cả các cuộc chiến tranh cộng lại. Những vết cắn truyền nhiễm của chúng khiến hơn 1 triệu người chết mỗi năm. Loài côn trùng này phát tán các vi sinh vật mang bệnh, từ sốt rét đến virut Zika. Việc kiểm soát dịch bệnh từ muỗi là một thách thức lớn bởi vì chúng có thể di chuyển nhanh, nhẹ nhàng, gần như là không có dấu vết.
Sau nhiều thập niên phát triển, những thiết bị radar quân sự hiện đại có thể phát hiện được tiếng vang của những con vật bé nhỏ này ở một khoảng cách khá ấn tượng. Ví dụ, Radar X-band trên biển của Cơ quan Quốc phòng của Mỹ có thể phát hiện một vật thể tương tự quả bóng chày từ khoảng 4,000km.
Trung Quốc đã phát triển hệ thống radar với các tính năng tiên tiến tương tự để theo dõi tên lửa và máy bay tàng hình. Tuy nhiên, một số nhà khoa học làm việc trên các dự án quân sự này tin rằng công nghệ radar cũng có thể được sử dụng để chống muỗi và họ thuyết phục thành công chính phủ tài trợ cho nghiên cứu.
Dự án nghiên cứu nhằm phát hiện và tiêu diệt muỗi được đầu tư gần 13 tỷ USD. Ảnh: SCMP |
Nhóm các nhà khoa học nằm dưới sự chỉ đạo của Long Teng đã nhận được tài trợ 12,9 triệu USD từ Bắc Kinh vào cuối năm 2017 để xây dựng một radar phát hiện muỗi có kích thước đầy đủ, có khả năng được kiểm tra tại hiện trường. Theo các nhà khoa học làm việc cho dự án, radar hoạt động bằng cách phát ra xung động của sóng điện từ nhanh đến nhiều tần số. Khi sóng radio chạm trúng muỗi, chúng sẽ phản hồi lại với thông tin bao gồm loài, giới tính, tốc độ và hướng bay, và liệu côn trùng đã ăn no hay chưa.
Nếu được đưa vào hoạt động trong thực tiễn, thiết bị có thể được gắn trên mái nhà gần một cộng đồng dân cư và sử dụng hiệu quả để xác định vị trí của các đàn muỗi lớn cũng như khu vực chúng sinh sản, nghỉ ngơi. Các nhà khoa học ở quốc gia khác từng sử dụng radar dân dụng để theo dõi sự di chuyển của nhóm chim hoặc côn trùng lớn hơn như cào cào và bướm đêm, nhưng đây được cho là lần đầu tiên công nghệ hiện đại này được sử dụng để theo dõi muỗi.
Các nhà nghiên cứu cho biết thiết bị nguyên mẫu đã đạt được độ nhạy cảm chưa từng thấy bởi vì chính quyền đã cho phép nhóm các nhà khoa học thiết kế hệ thống bằng cách sử dụng công nghệ radar quân sự mới nhất. Ví dụ, radar có ăng-ten mảng giai đoạn tiên tiến tương tự như những chiếc được sử dụng trên các tàu chiến mới nhất của Trung Quốc. Ăng-ten có thể chùm sóng theo các hướng khác nhau trong cùng một thời điểm, có thể phát hiện ra tên lửa hoặc máy bay quân sự nhanh hơn nhiều so với radar thông thường sử dụng một đĩa quay.
Ngoài ra, radar cũng có một ăng-ten riêng để tạo ra các sóng vô tuyến dao động theo nhiều hướng được biết đến dưới dạng phân cực. Điều này cung cấp thông tin chi tiết về một mục tiêu cụ thể để các nhà nghiên cứu có thể phân biệt con muỗi cái đói, hay một con đực vừa hút máu. Một thiết bị tính toán nhanh sau đó sử dụng thuật toán để xác định đồng thời và theo dõi sự di chuyển của cả đàn muỗi.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo SCMP)