Tại một quán cơm gà gần khu mua sắm bên ngoài Đại học Quốc gia Trung Chính vừa xảy ra một vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm tập thể. Theo thông tin trên Saostar, ít nhất 29 sinh viên đã xuất hiện các triệu chứng tiêu hóa bất thường như nôn ói và tiêu chảy sau khi ăn tại nhà hàng này.
Thông tin từ phía nhà trường cho biết sự việc diễn ra vào ngày 13/5, thời điểm có khoảng 50 đến 60 khách hàng tại quán. Đến nay, đã xác định được ít nhất 29 sinh viên gặp các vấn đề về tiêu hóa, và số lượng này có thể sẽ còn tăng lên.
Một nhà hàng cơm gà Hải Nam bên ngoài Đại học Quốc gia Trung Chính ở thành phố Gia Nghĩa đã xảy ra sự cố ngộ độc thực phẩm.
Sau khi nhận được thông tin phản ánh từ người dân vào ngày 15/5, Cục Y tế đã tiến hành điều tra vụ việc. Dù các bệnh viện chưa có báo cáo chính thức, nhưng qua kiểm tra thực tế, cơ quan chức năng phát hiện nhà hàng đã vi phạm "Quy tắc thực hành vệ sinh thực phẩm tốt" và yêu cầu khắc phục các sai sót.
Cùng ngày 15/5, chủ nhà hàng đã chính thức gửi lời xin lỗi trên trang Facebook, thừa nhận đây là "hành vi cẩu thả nghiêm trọng". Doanh nghiệp này cho biết đã rà soát toàn bộ quy trình và thay mới nguồn nguyên liệu sau khi nhận được phản hồi từ khách hàng. Phân tích sơ bộ cho thấy nguyên nhân sự cố có thể xuất phát từ việc kiểm soát nhiệt độ không đảm bảo của một số nguyên liệu, trong đó có đậu phụ bị hư hỏng.
Chủ nhà hàng giải thích: "Chúng tôi gần như chắc chắn đậu phụ là nguyên nhân, bởi các nhân viên làm thêm hôm đó không ăn món này và không ai gặp triệu chứng tiêu chảy. Riêng tôi chỉ ăn đậu phụ và bị tiêu chảy suốt cả ngày." Ông cũng cam kết sẽ tăng cường kiểm soát quy trình sản xuất và hợp tác đầy đủ với cơ quan y tế.
Quán ăn đã ngưng hoạt động từ ngày 16/5. Trên Google Review, nhiều người dùng mạng thể hiện sự không hài lòng, cho rằng việc đóng cửa của nhà hàng chỉ diễn ra sau khi vụ việc được báo chí đưa tin. Họ cũng phê phán cách giải quyết khủng hoảng thiếu chuyên nghiệp của doanh nghiệp. Một bình luận са са đã viết: "Đồ ăn thì ngon đấy, nhưng ăn một lần đi ngoài bảy lần".
Hiện tại, Cục Y tế vẫn đang tiếp tục quá trình điều tra để xác định rõ nguyên nhân sự cố. Đồng thời, cơ quan này khuyến nghị người dân đã ăn uống tại nhà hàng cần chú ý theo dõi sức khỏe nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào.
Rửa tay sạch trước khi chế biến, sơ chế thực phẩm
Cần rửa tay sạch trước khi chế biến, sơ chế thực phẩm để không làm thực phẩm bị nhiễm khuẩn và lưu ý rửa tay sau khi chạm vào thực phẩm sống rồi mới chạm vào thực phẩm chín tránh nhiễm khuẩn chéo.
Vệ sinh dụng cụ nấu ăn giữa các lần sử dụng
Vệ sinh dụng cụ nấu ăn giữa các lần sử dụng để phòng ngừa tình trạng nhiễm khuẩn chéo giữa các loại thực phẩm. Không nên sử dụng chung dụng cụ đối với thực phẩm sống và chín. Ví dụ thớt dùng cho thịt sống thì không dùng cho thịt chín, đũa đã đảo thịt sống không dùng cho thịt chín…
Cách bảo quản thực phẩm tươi sống
Các loại rau xanh và hoa quả chỉ nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 4-5 ngày.
Thực phẩm tươi sống không nên dự trữ quá nhiều và quá lâu vì dễ hư hỏng và mất chất khi sử dụng. Các loại thịt, cá tươi sống sau khi mua về cần sơ chế qua, rửa sạch để ráo nước rồi cho vào tủ lạnh. Nếu sử dụng trong ngày thì để ngăn mát, còn nếu để qua ngày hôm sau thì cho vào ngăn đá.
Với rau xanh nhặt bỏ gốc và lá sâu cho vào túi đựng thực phẩm buộc kín, lót một lớp giấy để vào ngăn mát tủ lạnh. Nếu chưa ăn ngay không nên rửa rau vì dễ làm rau nhanh hỏng và chảy nước ra tủ. Các loại rau cải, rau lá xanh… không nên để lâu quá 1 tuần, thời hạn dùng tốt nhất là trong vòng 3 ngày kể từ lúc mua.
Với trái cây mua về rửa sạch để ráo nước hoặc lau khô cho vào túi đựng thực phẩm để trong ngăn mát.
Một số loại thực phẩm không nên để trong tủ lạnh: khoai tây, cà phê, hành tỏi, bánh mì, chuối,…không nên bảo quản trong tủ lạnh vì như thế sẽ làm chúng bị mất đi mùi thơm, làm giảm chất lượng và gây mùi ảnh hưởng đến các thực phẩm khác.
Không nên trữ thực phẩm quá 7 ngày, kể cả các thực phẩm đông đá như các loại thịt, hải sản… các loại rau xanh và hoa quả chỉ nên lưu lại trong ngăn mát tủ lạnh từ 4 đến 5 ngày.
Cách bảo quản thực phẩm chín
Các loại thực phẩm sau khi nấu chín cần để nguội, để riêng từng loại vào các hộp đựng thực phẩm có nắp hoặc dùng màng bọc thực phẩm bọc kín và cất vào tủ lạnh.
Bảo quản thức ăn thừa tránh xa các thực phẩm sống để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập.
Không để thức ăn sống cùng ngăn với thức ăn chín. Trước khi ăn phải nấu lại cho sôi kỹ các món ăn này và chỉ nên ăn lại một lần sau đó. Những món canh chỉ để tủ lạnh trong khoảng 24 giờ. Các món kho, mặn thì không nên để trong tủ lạnh quá 3 ngày.
Tuyệt đối không sử dụng những thức ăn đã có mùi ôi thiu hoặc màu sắc thay đổi bất thường.
Cách bảo quản thực phẩm đông lạnh
Những gia đình có thói quen đi chợ một lần mua thức ăn dự trữ để dùng cho nhiều ngày, sau khi mua về nên sơ chế, làm sạch các thực phẩm tươi sống ngay sau khi mua về để hạn chế khả năng thực phẩm bị ảnh hưởng do thời tiết nắng nóng.
Nên chia thịt, cá thành từng phần nhỏ phù hợp với bữa ăn của gia đình để tránh việc rã đông thực phẩm nhiều lần khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Thịt, cá cần sơ chế, rửa sạch và để ráo nước trước khi cho vào ngăn đá; dụng cụ chứa thực phẩm phải tuyệt đối kín để dịch thức ăn không chảy ra.
Về nguyên tắc, thực phẩm tươi sống có thể để được đến một năm nếu được cấp đông từ -18 đến -30 độ C, cấp đông với nhiệt độ -36 độ C thì bảo quản được đến 18 tháng. Tuy nhiên, khi để lâu thì một số enzyme trong thực phẩm sẽ tự phân hủy và chuyển hóa, làm cho thực phẩm ít nhiều mất đi một số chất dinh dưỡng, chất béo bị oxy hóa...
Do vậy, thời gian bảo quản tối đa trong ngăn đá đối với thịt bò, cừu, dê là 30 ngày; thịt heo, gà, vịt khoảng 10 - 15 ngày. Riêng với cá, nên sử dụng trong vòng 7 ngày từ khi cất giữ trong ngăn đá để cá được tươi ngon hơn.
Tuyệt đối không để lại thực phẩm đã rã đông vào ngăn đông lạnh.
Nên vệ sinh tủ lạnh thường xuyên (1-2 tuần lau chùi một lần), lau các vết bẩn ngay khi xuất hiện để giúp giảm sự tăng trưởng và ngăn ngừa sự lây lan vi khuẩn từ thực phẩm này sang thực phẩm khác, theo Sức khỏe & Đời sống.