Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trừ điểm GPLX vì vi phạm giao thông: Đừng vì ngại tiêu cực mà không thực hiện

(DS&PL) -

Làm thế nào để hạn chế những tiêu cực này khi đề xuất được áp dụng vào thực tiễn?

Không thể phủ nhận những ưu điểm của đề xuất trừ điểm trên Giấy phép lái xe (GPLX) đối với người vi phạm giao thông, song rất nhiều ý kiến đã bày tỏ sự lo ngại việc trừ điểm trên bằng lái sẽ làm phát sinh thêm tiêu cực để không bị trừ điểm khi vi phạm. Làm thế nào để hạn chế những tiêu cực này khi đề xuất được áp dụng vào thực tiễn?

Nhiều ý kiến trái chiều

Mới đây, tại dự thảo luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ lần thứ hai, bộ Công an đề xuất 28 hành vi và nhóm hành vi bị áp dụng xử phạt vi phạm hành chính và trừ điểm trên giấy phép lái xe.Trong trường hợp hết điểm, GPLX sẽ không còn hiệu lực.

Tài xế muốn cấp bằng lái mới thì phải học và thi sát hạch trong thời gian ít nhất 6 tháng kể từ ngày GPLX hết hiệu lực. Tại Nghị quyết số 123 phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2020, Chính phủ đã thống nhất hướng quy định GPLX được cấp 12 điểm mỗi năm theo đề xuất của bộ Công an. Nếu tài xế không bị trừ hết điểm sẽ được cấp lại điểm để áp dụng cho năm kế tiếp; Không vi phạm giao thông sẽ được cộng điểm; Nếu bị trừ hết điểm thì phải thi lại bằng lái...

Chia sẻ với PV tạp chí Đời sống & Pháp luật (ĐS&PL), Thượng tá Lê Đức Đoàn - Công dân ưu tú Thủ đô, nguyên chiến sĩ cảnh sát giao thông Đội 1 (phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an TP. Hà Nội) - hoan nghênh đề xuất trên của bộ Công an. Tuy nhiên, để đề xuất này đạt hiệu quả tốt nhất thì cơ quan chức năng vẫn cần có thời gian, chuẩn bị lộ trình cụ thể.

Bởi theo Thượng tá Đoàn, hệ thống quản lý, giám sát, xử phạt đối với các đối tượng tham gia giao thông đang từng bước đi vào hoàn thiện. Cho nên việc quản lý, trừ điểm trên bằng lái xe đối với người vi phạm thế nào, mức điểm bị trừ là bao nhiêu, ai là người chấm điểm... thì vẫn cần được nghiên cứu thêm và có thời gian thử nghiệm trước khi chính thức áp dụng vào thực tế.

Cần nhớ rằng trước đây, chúng ta đã áp dụng hình thức xử lý bấm lỗ trên bằng lái xe nhưng không đạt được hiệu quả như mong muốn. Chính vì thế, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, cải tiến sao cho phù hợp với tình trạng giao thông và cơ sở vật chất hiện có để đạt hiệu quả tốt nhất.

Bộ Công an đề xuất trừ điểm trên GPLX đối với tài xế vi phạm giao thông.

Cùng trao đổi với PV về vấn đề này, ĐBQH Phạm Văn Hòa- Ủy viên ủy ban Pháp luật của Quốc hội- cho rằng đây là một bước đi sáng tạo, một biện pháp quản lý văn minh, tiến bộ của bộ Công an.“Việc trừ điểm bằng lái xe của tài xế khi vi phạm ATGT cơ bản giống với cách xử lý bấm lỗ trên bằng lái xe mà nước ta đã áp dụng trước đây, thế nhưng đề xuất lần này của bộ Công an đã có những cải tiến nhất định để phù hợp với thực tiễn ở nước ta.

Cụ thể, nếu trước đây chúng ta chỉ quy định trong suốt thời gian sử dụng, một GPLX bị đánh dấu 2 lần vi phạm thì tài xế phải thi lại luật Giao thông đường bộ khi đổi giấy phép lái xe; Nếu bị đánh dấu 3 lần thì GPLX hết giá trị sử dụng; Trường hợp vi phạm bị bấm lỗ trực tiếp trên GPLX gây mất thẩm mỹ,... thì tại đề xuất lần này , bộ Công an đã đặt ra thời gian cụ thể là 12 tháng, tương đương với 12 điểm, nếu không bị trừ hết điểm thì tài xế sẽ được cấp lại điểm vào năm sau; Không vi phạm giao thông sẽ được cộng điểm; Việc trừ điểm được thực hiện, quản lý trên hệ thống để đảm bảo yếu tố thẩm mỹ cho GPLX”, ông Hòa phân tích.

Dưới góc độ người tham gia giao thông, anh Nguyễn Văn Linh (phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Bản thân tôi cơ bản đồng ý với đề xuất trừ điểm trên GPLX, việc này sẽ giúp người dân cẩn thận hơn khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc trừ điểm thế nào cũng cần được tính toán kỹ lưỡng, không thể lỗi nào cũng bị trừ điểm,...”.

Lo ngại phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu

Ủng hộ đề xuất trừ điểm trên GPLX của người vi phạm giao thông là quyết định đúng đắn, tiến bộ, sẽ giúp ý thức tham gia giao thông của người dân được cải thiện, hạn chế vi phạm và góp phần giảm tai nạn, song ĐBQH Phạm Văn Hòa cũng tỏ ra lo ngại nguy cơ xảy ra tiêu cực, hệ lụy xấu trong quá trình xử lý vi phạm.

Ông Hòa cho rằng, việc phát sinh tiêu cực sau mỗi đề xuất mới, quy định mới là điều khó tránh khỏi, nhất là đối với công tác xử lý vi phạm của lực lượng CSGT. “Phải thừa nhận, trong công tác xử lý vi phạm giao thông của lực lượng chức năng hiện nay vẫn tồn tại thực trạng một số cán bộ, chiến sĩ CSGT xử phạt không đúng quy định, đâu đó vẫn còn tình trạng “xin- cho” khiến việc xử lý vi phạm chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Mặc dù bộ Công an đã có nhiều nỗ lực khắc phục như khuyến khích người dân giám sát, phản ánh khi phát hiện tiêu cực,... tuy nhiên, thực trạng trên vẫn chưa được xử lý triệt để.

Và việc người dân lo ngại phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình xử lý trừ điểm GPLX cũng là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, tâm lý chung của người tham gia giao thông là rất ngại phải học lại, thi lại bằng lái. Do đó, khi đã bị trừ gần hết điểm thì không ít người sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền thậm chí là lớn hơn số tiền để thi lại bằng hoặc dùng các mối quan hệ để xin không bị xử phạt”, ông Hòa nói.

ĐBQH Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Trả lời câu hỏi làm cách nào để hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu khi xử lý vi phạm, ông Hòa cho rằng vấn đề cốt lõi nằm ở ý thức, đạo đức nghề nghiệp của lực lượng CSGT và đặc biệt là người tham gia giao thông, bởi khi người tham gia giao thông chấp hành nghiêm quy định thì CSGT sẽ không có “cửa” để thực hiện hành vi tiêu cực.

Trao đổi với PV về lo ngại nói trên, luật sư Nghiêm Quang Vinh -Giám đốc công ty luật Nghiêm Quang (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) - khẳng định, nguy cơ phát sinh tiêu cực trong quá trình thực hiện trừ điểm trên GPLX là điều ai cũng có thể nhận thấy, nhưng để giải quyết triệt để tình trạng này lại là điều không thể.

Luật sư Vinh cho rằng, việc quản lý trừ điểm bằng lái và quản lý để tránh phát sinh tiêu cực là 2 biện pháp riêng biệt. Tiêu cực có thể xảy ra ở bất kỳ phương thức quản lý nào nếu không có cơ chế giám sát tốt. Do đó, chúng ta cần có góc nhìn tổng thể về vấn đề này, không nên vì sợ tiêu cực mà dừng áp dụng phương pháp quản lý mới.

Luật sư Vinh lưu ý thêm, nếu áp dụng hình thức trừ điểm trên bằng lái thì cần rà soát, thay đổi lại tất cả những quy định xử phạt trước đây. Bởi lẽ, nếu áp dụng trừ điểm mà vẫn tước bằng lái xe thì sẽ là trường hợp song trùng, một hành vi vi phạm không thể bị xử phạt vừa trừ điểm và vừa tước bằng lái là vi phạm pháp luật về xử lý các hành vi vi phạm.

Trừ điểm sẽ có tác dụng răn đe cao

Để có góc nhìn khách quan, đa chiều về một số nội dung liên quan đến đề xuất trừ điểm trên GPLX đối với người vi phạm giao thông, PV tạp chí ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Hữu Minh - Phó Chánh văn phòng ủy ban ATGT Quốc gia.

TS.Trần Hữu Minh - Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia.

PV: Thưa ông, hiện nay đề xuất trừ điểm trên GPLX đối với người vi phạm giao thông của bộ Công an đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận với rất nhiều ý kiến trái chiều. Dưới góc độ là một người công tác, nghiên cứu về lĩnh vực ATGT, xin ông cho biết quan điểm về đề xuất trên?

TS.Trần Hữu Minh: Tôi cho rằng đây là đề xuất hợp lý. Nội dung chính của giải pháp là “cấp” cho một GPLX một số điểm nhất định, sau đó cứ vi phạm thì trừ dần, trong một thời gian nhất định nếu hết điểm thì phải đi học lại và thi lại bằng (hoặc khi vi phạm thì tích điểm vi phạm, quá giới hạn thì thu bằng và phải học lại, thi lại).

Các nghiên cứu hành vi của tài xế cho thấy, mức phạt là một vấn đề quan trọng, nhưng cách thức phạt thậm chí còn quan trọng hơn. Bởi vậy, ngoài việc điều chỉnh mức phạt cho phù hợp với mức độ vi phạm thì rất nhiều quốc gia tiên tiến đã xây dựng hệ thống dữ liệu về vi phạm trật tự ATGT và TNGT để quản lý và xử phạt lũy tiến với các chủ bằng lái tái phạm.

Mỗi hành vi vi phạm sẽ tương ứng với một số điểm nhất định, khi chủ thể vi phạm thì số điểm đó sẽ được tích vào hồ sơ cá nhân. Khi tổng số điểm vượt quá một mốc nhất định (thông thường là 12 điểm) thì chủ thể đó sẽ phải học lại hoặc thi lại, hoặc cả học lại và thi lại với mức độ khó hơn bình thường. Mức hình phạt cho tái phạm sẽ tăng cao gấp nhiều lần. Đây là giải pháp có tính giáo dục và nhân văn rất cao.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, việc trừ điểm trên GPLX thực chất không phải là nội dung mới bởi trước đây nước ta cũng đã áp dụng phương pháp bấm lỗ trên bằng lái đối với người vi phạm và “thất bại” sau một thời gian thực hiện. Vậy theo ông, đề xuất lần này của bộ Công an có điểm gì mớigiúp hạn chế nhược điểm của phương pháp cũ?

TS.Trần Hữu Minh: Giải pháp trừ điểm trên GPLX đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng và có hiệu quả rất tốt về mặt cải thiện hành vi, ý thức của người lái xe.

Hình thức bấm lỗ trước đây ở nước ta cũng được thực hiện với mục tiêu tương tự, tuy nhiên bấm lỗ là hình thức thay đổi về vật chất đối với bằng lái, lạc hậu, thủ công, mất mỹ quan, dễ làm giả và đặc biệt khi đã bấm lỗ thì không thể xóa lỗ trên bằng lái nếu sau một thời gian nhất định chủ thể không vi phạm, đây là những hạn chế rất lớn của phương pháp này.

Về cách thức thực hiện, phương pháp quản lý trừ điểm trên hệ thống dữ liệu như hiện nay là bước đột phá, khác hoàn toàn với bấm lỗ trước đây, khắc phục được tất cả các nhược điểm của phương pháp bấm lỗ. Nếu không vi phạm thì sau 1 năm điểm số lại trở lại 12 điểm và điều này là mình bạch vì được thực hiện trên hệ thống dữ liệu.

PV: Kinh nghiệm của các quốc gia khác sau khi áp dụng biện pháp này thế nào, thưa ông?

TS.Trần Hữu Minh: Báo cáo của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy giải pháp này có thể giúp giảm tới 15 - 20% số vụ, số người chết và số người bị thương. Về mặt hành vi giúp giảm tới 30% số hành vi vi phạm TTATGT, giảm tới 50% số vụ nhập viện do TNGT. Vào năm 2012, có tới trên 20 quốc gia trong tổng số 27 thành viên của Liên minh EU áp dụng giải pháp này.

Lý do chính là vì khi tài xế đã vi phạm một lần, họ sẽ luôn nhớ nếu tái phạm sẽ bị trừ điểm và có thể phải thi sát hạch lại GPLX hoặc sẽ phải đóng mức phạt cao hơn rất nhiều, như vậy là tác dụng nhắc nhở giáo dục và răn đe rất tốt. Không giống như hình thức tước bằng chỉ áp dụng với vi phạm nghiêm trọng, quản lý điểm có thể áp dụng với bất cứ lỗi nào, qua đó có tác động rất lớn tới hành vi của người tham gia giao thông.

PV: Vậy theo ông, để phù hợp với thực tế tại Việt Nam thì giải pháp trên cần áp dụng thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất?

TS.Trần Hữu Minh: Cần phải hình thành được hệ thống dữ liệu quốc gia để lưu vết được tất cả các hành vi vi phạm về trật tựATGT và TNGT. Ngoài ra cần có hệ dữ liệu địa chỉ và quy định cập nhật địa chỉ, mã hóa lỗi để có thể trừ điểm nhanh chóng và quan trọng hơn là phải chia sẻ dùng chung giữa các cơ quan, cho phép người dân kiểm tra điểm, khai thác để dùng công cụ kinh tế điều chỉnh mức bảo hiểm. Đương nhiên sau một thời gian nếu không vi phạm (ví dụ sau 1 năm) thì số điểm sẽ được đưa trở về mức ban đầu là 12 điểm.

PV: Hiện nay, trong dư luận đang có ý kiến lo ngại việc áp dụng trừ điểm trên GPLX sẽ phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu khi xử lý vi phạm giao thông. Ông nghĩ sao về điều này?

TS.Trần Hữu Minh: Khi đã xác định là giải pháp tốt thì chúng ta cần quyết tâm thực hiện. Còn trong quá trình thực hiện cần triển khai đồng thời các giải pháp khác như tăng cường ứng dụng công nghệ, giảm sự can thiệp trực tiếp của con người, tăng cường thanh tra công vụ và giám sát, bảo đảm chế độ làm việc đãi ngộ phù hợp với công chức và người lao động..., chắc chắn những tiêu cực, nhũng nhiễu sẽ giảm dần.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Lâm
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 5 (146)

Tin nổi bật