Từ một loài vật gần gũi với con người trong thực tế cuộc sống, con heo đã đi vào phim ảnh như một hình tượng đa nghĩa. Khi nói đến các nhân vật nổi tiếng lấy cảm hứng từ con heo, không thể không nhắc đến Trư Bát Giới.
Trư Bát Giới là một nhân vật được biết đến với hình dạng nửa người nửa heo. Theo bản Tây Du Ký năm 1986, Trư Bát Giới ban đầu giữ chức Thiên Bồng Nguyên Soái tại Thiên Đình, chỉ huy hơn 8 vạn thủy binh. Một lần tình cờ gặp Hằng Nga trong một bữa tiệc, với chút men trong người, Thiên Bồng Nguyên Soái đã nói những lời chọc ghẹo đùa với nàng. Sự việc này đã đến tai Ngọc Hoàng, khiến Thiên Bồng Nguyên Soái bị ngài tức giận và bị đày xuống hạ giới.
Trước khi hạ phàm, Trư Bát Giới là Thiên Bồng Nguyên Soái của thiên đình.
Thầy trò Đường Tăng và Tôn Ngộ Không gặp được Trư Bát Giới qua một vụ bắt cóc tại gia đình họ Cao. Bát Giới chính là thủ phạm. Sau khi đánh nhau với Ngộ Không, Bát Giới bị Quan Thế Âm chỉ định đi theo phò tá Tam Tạng để chuộc lại tội lỗi đã gây ra.
Dù ham ăn, mê gái, lười biếng nhưng Trư Bát Giới cũng đã học được 36 trong số 108 phép thiên cương địa sát của Đạo giáo. Vũ khí của Bát Giới là cây bồ cào được luyện ở Thiên Đình. Hắn giỏi chiến đấu dưới nước hơn là trên cạn. Nhưng nhìn chung, phép thuật của Bát Giới tỏ ra thua kém rõ rệt so với Tôn Ngộ Không và nhiều yêu quái khác.
Bát Giới là biểu tượng cho dục vọng của con người.
Đến cuối phim, tất cả các nhân vật từ Đường Tăng đến Ngộ Không, Ngộ Tĩnh đều trở thành Phật hoặc La Hán. Chỉ riêng mình Bát Giới là không. Bởi dù đã có nhiều cải biến, Bát Giới vẫn còn quá nhiều ham muốn. Vì vậy, Bát Giới được phong là "Tịnh đàn sứ giả" với phần thưởng là công việc lau dọn bàn thờ. Tại đó, Lão Trư có thể ăn thỏa thích những hoa quả thừa trên bàn thờ.
Trư Bát Giới có một tên gọi khác là Trư Ngộ Năng do Quan Thế Âm Bồ Tát đặt cho. Cái tên này có nghĩa là "con heo (tái sinh) nhận ra, ngộ ra khả năng của mình", ngụ ý việc Bát Giới luôn tự đánh giá bản thân quá cao mà quên mất mình sinh ra trong một hình hài gớm ghiếc.
Riêng Tam Tạng lại có ngụ ý khác khi đặt tên Trư Bát Giới. Hai chữ “Bát Giới” mang nghĩa là "Tám ranh giới bị kiềm chế" bao gồm giới tham ăn, giới háo sắc, giới tham của, giới ghen ghét, đố kị người tài, giới giả dối, lừa gạt, giới nhàn hạ, giới sợ khó, sợ khổ, giới tham công lao. Những cảnh giới xấu xa này trong tính cách của con người đều được gửi gắm qua nhân vật Trư Bát Giới.
Ngoại hình của Trư Bát Giới.
Khi nhắc đến nhân vật này, vẫn tồn tại nhiều điều bí ẩn khiến khán giả tò mò. Trong số đó không ít người muốn biết nhân vật Trư Bát Giới vốn dĩ là lợn đen hay lợn trắng.
Cụ thể, theo chương thứ mười tám của "Tây Du Ký" khi nới đoạn Cao Lão Thái ở Cao Lão Trang muốn tuyển một người con rể cho con gái lớn Cao Thúy Lan, Trư Bát Giới biến phép trở nên đẹp trai và đã trúng tuyển. "Khi mới đến, anh ta là một người đàn ông đen và béo, nhưng sau đó biến thành một người đàn ông to lớn, miệng dài, giống một tên ngốc có tai to, có tóc sau gáy, thân hình thô kệch và đáng sợ, đầu và mặt như lợn". Như vậy, xét từ nguyên tác, Trư Bát Giới là một con lợn đen.
Trư Bát Giới là lợn đen.
Ngoài ra, các chuyên gia nghiên cứu về lợn cũng phân tích: “Lợn trước những năm 1950 đều là lợn đen truyền thống, mãi sau này lợn trắng mới du nhập vào Trung Quốc”.
Theo ý kiến của giới chuyên môn, thời điểm câu chuyện “Tây Du Ký” xảy ra từ thời nhà Minh khi Ngô Thừa Ân viết sách, Trung Quốc không nuôi lợn trắng, chỉ nuôi lợn đen thuần chủng. Nhân vật Trư Bát Giới béo trắng xuất hiện trong phim "Tây Du Ký" đã thực sự đánh lừa khán giả trong nhiều năm.
Phương Linh (T/h)