Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trọng tâm cuộc khủng hoảng Ukraine chuyển hướng về Donbas, nguyên nhân do đâu?

(DS&PL) -

Tình hình tại miền Đông Ukraine đang diễn biến phức tạp sau khi Tổng thống Vladimir Putin công nhận độc lập cho 2 khu vực ly khai.

Ngày 21/2 (giờ địa phương), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố công nhận độc lập cho 2 khu vực ly khai tại Donbas, miền Đông Ukraine. Đồng thời, ông chủ Điện Kremlin cũng đã triển khai lực lượng "gìn giữ hoà bình" tới Donbas sau động thái trên.

Theo CNN, các nhà phân tích cho rằng đây có thể là khởi đầu cho một cuộc xung đột lớn hơn ở Ukraine. Nhiều quan chức đã lên án động thái mới của phía Nga, gọi đó là mối đe doạ với chủ quyền Ukraine. 

Được biết, xung đột tại Donbas vốn không phải là mới. Trong gần 8 năm, khu vực này đã nhiều lần chứng kiến các cuộc đụng độ cường độ thấp giữa phe ly khai và lực lượng Ukraine, khiến hơn 14.000 người thiệt mạng. Dù vậy, quyết định của ông Putin mới đây đã làm dấy lên lo ngại về ý định của Moscow trong khu vực. 

Tình hình tại Donbas những năm gần đây

Chiến sự đã nổ ra ở Donbas vào năm 2014 khi quân ly khai chiếm giữ các tòa nhà chính phủ ở các thị trấn và thành phố miền Đông Ukraine. Các cuộc giao tranh ác liệt đã khiến các khu vực phía Đông Luhansk và Donetsk của khu vực Donbas rơi vào tay lực lượng ly khai. Trong cùng năm, Nga cũng tuyên bố sáp nhập bán đảo Crimea, trước đó thuộc Ukraine, vào lãnh thổ của mình. Động thái này của Moscow đã từng vấp phải chỉ trích của phương Tây trong thời điểm ấy.

Các khu vực do phe ly khai kiểm soát ở Donbas đã tự xưng là Cộng hòa Nhân dân Luhansk và Cộng hòa Nhân dân Donetsk. Các nước cộng hòa tự xưng hiện chưa được chính phủ nào công nhận ngoài Nga. Chính phủ Ukraine đã từ chối đối thoại trực tiếp với một trong khu vực ly khai.

Phe ly khai ăn mừng sau khi được Nga công nhận độc lập. Ảnh: RIA 

Thỏa thuận Minsk II năm 2015 đã đem lại một thoả thuận ngừng bắn giữa Kyiv và phe ly khai. Tuy nhiên, trên thực tế, xung đột đã dần chuyển thành chiến tranh tĩnh dọc theo Đường liên lạc chia cắt chính phủ Ukraine và các khu vực do phe ly khai kiểm soát. Các Hiệp định Minsk (được đặt tên theo thủ đô của Belarus nơi họ được ký kết) đã cấm vũ khí hạng nặng gần Đường liên lạc.

Ngôn từ xung quanh cuộc xung đột bị chính trị hóa nặng nề. Chính phủ Ukraine gọi lực lượng ly khai là "những kẻ xâm lược" và "những kẻ chiếm đóng". Trong khi đó, truyền thông Nga lại gọi những người này là "dân quân" và khẳng định rằng họ là những người dân địa phương tự vệ chống lại chính phủ Kyiv.

Hơn 14.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Donbas kể từ năm 2014. Ukraine cho biết 1,5 triệu người đã buộc phải di dời nhà cửa. Hầu hết khu vực ở Donbas vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine và khoảng 200.000 người di cư đang khu vực rộng lớn hơn của Kyiv.

Xung đột tiếp diễn

CNN nhận xét dù Nga khẳng định họ không có binh sĩ trên bộ khu vực ly khai tại Donbas nhưng các quan chức Mỹ, NATO và Ukraine cho biết chính phủ Moscow đã cung cấp cho lực lượng ly khai, hỗ trợ tư vấn và thông tin tình báo, đồng thời đưa các sĩ quan của mình vào hàng ngũ của họ.

Moscow cũng được cho là đã phát hàng trăm nghìn hộ chiếu Nga cho người dân ở Donbas trong những năm gần đây. Theo các quan chức và nhà quan sát phương Tây, Nga đang muốn nhập quốc tịch cho người ở khu vực ly khai như một cách để công nhận độc lập của khu vực này. 

Hồi tuần trước, Quốc hội Nga khuyến nghị Điện Kremlin chính thức công nhận 2 khu vực Luhansk và Donetsk là các quốc gia độc lập. Phía Mỹ đã lên án động thái này, cho rằng Nga đang không tuân thủ thoả thuận Minsk đã được ký kết. 

Binh sĩ Ukraine cùng vũ khí hạng nặng ở Donbass. Ảnh: Reuters

Trước tình hình này, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba ngày 16/2 khẳng định Ukraine sẽ "không dừng lại cho đến khi giải phóng các vùng lãnh thổ của mình ở Donbas, Crimea, cho đến khi Nga nhận lại tất cả những thiệt hại mà họ gây ra".  

Được biết, Tổng thống Putin đã nhiều lần cáo buộc Ukraine vi phạm quyền của người dân tộc Nga và những người nói tiếng Nga ở Ukraine, đồng thời khẳng định Nga có quyền can thiệp quân sự để bảo vệ những người này.

Trong đó, ngày 16/2, ông Putin cáo buộc rằng "tội ác diệt chủng" đã được thực hiện ở Donbas. CNN nhận định, những cáo buộc này vốn không phải mới.

Hãng tin Mỹ chỉ ra vào năm 2014, khu vực Donbas cũng từng là tâm điểm của cuộc xung đột giữa Đông và Tây, giữa nỗ lực của Tổng thống Putin nhằm khẳng định lại quyền kiểm soát và khát vọng ngày càng tăng của người Ukraine trong việc gia nhập các nền dân chủ châu Âu.

Đến nay, những vấn đề này đang một lần nữa được đặt ra và khiến cả thế giới phải dõi theo. 

Minh Hạnh (Theo CNN)

Tin nổi bật