Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trò lừa đảo mới khiến nạn nhân mất hàng tỷ đồng

(DS&PL) -

Chúng yêu cầu bị hại ra ngân hàng khác để mở một tài khoản và đăng ký dịch vụ Internet Banking bằng số điện thoại do các đối tượng lừa đảo giả danh công an cung cấp.

Chúng yêu cầu bị hại ra ngân hàng khác để mở một tài khoản và đăng ký dịch vụ Internet Banking bằng số điện thoại do các đối tượng lừa đảo giả danh công an cung cấp.


Mới đây, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46, Công an TPHCM) vừa có văn bản gửi Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TPHCM nhằm hỗ trợ tuyên truyền phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua điện thoại VOIP.

Với thủ đoạn này, đối tượng đã giả danh công an, Viện kiểm sát lừa đảo nói rằng bà B (46 tuổi, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP. HCM) đang liên quan đến đường dây rửa tiền…,. Tuy nhiên thay vì yêu cầu bà phải chuyển tiền ngay lập tức vào tài khoản của chúng như những chiêu trò cũ trước đây, thì lần này, nhóm người này yêu cầu bà B. ra mở tài khoản số 060170432*** đứng tên bà tại một chi nhánh ngân hàng ở quận 8.

Chúng yêu cầu bà phải đăng ký dịch vụ Internet Banking bằng số điện thoại 0947.561.*** do chúng cung cấp.

Sau khi hoàn thành việc đăng ký, những kẻ lừa đảo yêu cầu bà đưa toàn bộ số tài khoản, tên chủ tài khoản, mã kích hoạt… và buộc người phụ nữ này phải rút số tiền hơn 1 tỉ đồng đang gửi tại ngân hàng khác nộp vào tài khoản chúng yêu cầu trên.

Vì nghĩ rằng cũng chuyển vào tài khoản của mình, tiền vẫn là của mình, nên bà B yên tâm. Đâu ngờ, ngay trong ngày, nhóm người này đã sử dụng dịch vụ Internet Banking do bà B. đăng ký để chuyển tiền sang các tài khoản ngân hàng khác và rút ra chiếm đoạt.

Theo Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46, Công an TPHCM), với hình thức lừa đảo này, tội phạm lừa đảo mạo danh điều tra viên, cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án thông báo nạn nhân về việc bị hại có liên quan đến đường dây tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy, rửa tiền mà cơ quan công an đang tiến hành điều tra.

Sau đó đối tượng dò hỏi các thông tin về tài khoản ngân hàng, tiền gửi tại các ngân hàng của bị hại có liên quan đến đường dây tội phạm.

Chúng sẽ yêu cầu bị hại ra một ngân hàng khác để mở một tài khoản và đăng ký dịch vụ Internet Banking bằng số điện thoại do các đối tượng lừa đảo giả danh công an cung cấp.

Đối tượng lừa đảo nói mục đích là để kiểm tra, xác minh, giám định số tiền này có liên quan đến đường dây tội phạm hay không và giám sát tài khoản này của bị hại. Từ đó buộc nạn nhân cung cấp toàn bộ tên đăng nhập và mã kích hoạt để chuyển tiền sang tài khoản khác bằng Internet Banking.

Với thủ đoạn như trên, các đối tượng làm cho bị hại nghĩ rằng tiền vẫn trong tài khoản đứng tên mình nên không mất. Mặt khác, đối với các nhân viên của các ngân hàng khi khách hàng đến giao dịch chuyển/nộp tiền vào tài khoản của chính khách hàng nên nghĩ rằng không phát sinh vấn đề lừa đảo gì, từ đó không biết để cảnh báo cho khách hành về nguy cơ bị lừa đảo.

Trước thực tế phức tạp nói trên, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi tương tự. Bởi trong thực tế, nếu cơ quan công an làm việc sẽ có thư mời ghi rõ thời gian, địa điểm rõ ràng và dân tới trực tiếp trụ sở để làm việc. Công an không bao giờ yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, do đó khi nghe những cuộc điện thoại này người dân cần dập máy ngay lập tức.

Trước đó, công an quận 3, TP.HCM cho biết, đang phối hợp cùng các đơn vị Công an TP.HCM tiến hành điều tra làm rõ vụ mạo danh cán bộ công an nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gần nửa tỷ đồng của một người dân.

Theo trình báo của ông Võ Tiến Dũng (tên đã thay đổi, SN 1962, ngụ quận 3), sáng 24.11, ông đang ở nhà thì nhận được 1 cuộc điện thoại. Vừa bắt máy, đầu dây bên kia là giọng của 1 người đàn ông xưng là cán bộ công an. Người này thông báo với ông Dũng rằng hoạt động ngân hàng của ông phạm pháp, đồng thời, yêu cầu ông Dũng phải chuyển tiền để xác minh làm rõ, nếu không liên quan sẽ trả lại.

Đến 14h cùng ngày, ông Dũng tưởng thật nên đã tới một chi nhánh ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Đại Dương (hay còn gọi là Oceanbank) ở phường 6, quận 3 chuyển gần nửa tỷ đồng vào tài khoản người đàn ông cung cấp. Sau đó, ông Dũng phát hiện mình bị lừa nên tới cơ quan công an trình báo.

Trước đó, bà Nguyễn Thị Hoa (tên đã thay đổi, 47 tuổi, ngụ quận Tân Bình), cũng gặp trường hợp tương tự vào sáng 8.11. Một người đàn ông qua điện thoại bảo bà có nợ một chi nhánh ngân hàng ở Hà Nội hơn 16 triệu đồng. Bà Hoa nói không có thì người đàn ông nói rằng, nếu không tin có thể xác minh số điện thoại gọi tới rồi cúp máy. Bà Hoa gọi tổng đài truy vấn ra số điện thoại là của một đơn vị thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an.

Một lúc sau, người đàn ông gọi lại nói bà Hoa có liên quan đến đường dây rửa tiền của tội phạm, yêu cầu khai báo những khoản tiền gửi ngân hàng, đồng thời, yêu cầu bà phải chuyển tiền để “xác minh”, nếu không liên quan sẽ trả lại. Tưởng thật, bà Hoa đã tới một chi nhánh ngân hàng trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình chuyển 2 lần với hơn nửa tỷ đồng. Tối cùng ngày, bà Hoa kể lại mọi sự cho gia đình nghe, mới biết mình bị lừa nên trình báo công an. Công an đã xác định được tài khoản nhận tiền của bà Hoa.

Nam Anh (T/h)

Tin nổi bật