Tờ trình Thủ tướng về đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán năm 2023 của Bộ LĐ-TB-XH được xây dựng trên cơ sở lấy ý kiến 16 Bộ, ngành, trong đó có 14 Bộ ngành đã gửi văn bản góp ý.
Cụ thể, với Tết Âm lịch, có 10/14 Bộ ngành đã góp ý chọn phương án nghỉ 7 ngày; có 2 Bộ, ngành chọn phương án nghỉ 9 ngày; một cơ quan đề xuất phương án nghỉ 8 ngày.
Trên cơ sở góp ý của các Bộ, ngành, Bộ LĐ-TB-XH trình Thủ tướng cả 2 phương án nghỉ Tết Nguyên đán năm 2023.
Phương án 1: Nghỉ từ Thứ 6 (ngày 20/1/2023) đến hết Thứ 5 (ngày 26/1/2023), tức 29 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão.
Bộ LĐ-TB-XH đánh giá, phương án này đảm bảo số ngày nghỉ Tết không quá dài (7 ngày liên tục), hài hòa số ngày nghỉ trước Tết (2 ngày) và sau Tết, tạo điều kiện cho người dân đi lại, mua sắm Tết, cũng được đa số bộ ngành đồng ý.
Ảnh: Tiền Phong
Phương án 2: Công chức, viên chức nghỉ Tết Nguyên đán 2023 từ Thứ 7 (ngày 21/1/2023) tới hết Chủ Nhật (ngày 29/1/2023), tức ngày 30 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng năm Quý Mão.
Bộ LĐ-TB-XH đánh giá phương án này có số ngày nghỉ dài (9 ngày liên tục), nhưng năm cũ chỉ nghỉ 1 ngày (30 Tết), gây áp lực giao thông, đi lại, sắm Tết của người dân. Phương án này cũng chỉ có 2 bộ ngành lựa chọn.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, lịch nghỉ Tết trên áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Đối với người lao động khối ngoài nhà nước, Bộ đề nghị người sử dụng lao động quyết định chọn phương án nghỉ Tết Nguyên đán năm 2023 phù hợp theo thực tế của đơn vị.
Hoàng Yên (T/h)