Lần đầu tiên hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA thừa nhận hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội ngày 28/2 không đạt được kết quả như kỳ vọng.
Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim hôm 27-28/2 tại Hà Nội về vấn đề giải trừ hạt nhân. Tuy nhiên, hội nghị kết thúc mà không đạt được thỏa thuận.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị diễn ra ở Hà Nội. Ảnh: Reuters |
Truyền thông Triều Tiên sau đó đã đưa đậm tin về chuyến đi của Chủ tịch Kim Jong-un đến Hà Nội thăm hữu nghị chính thức Việt Nam và tiến hành thượng đỉnh lần hai với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, các hãng tin lớn đều không đề cập tới kết quả của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Trong bài báo được hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đăng tải hôm 8/3, lần đầu tiên kết quả của thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 được đề cập thẳng thắn.
"Dư luận trong và ngoài nước đều cảm thấy rất nuối tiếc, đổ lỗi cho Mỹ khiến hội nghị thượng đỉnh (giữa ông Trump và ông Kim) kết thúc không có thỏa thuận", hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên viết.
Theo Reuters, Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, viết trong một bài xã luận cũng đề cập đến vấn đề tương tự và kêu gọi người Triều Tiên tiếp tục theo đường lối tự chủ.
“Giữa thời điểm các đế quốc đang lạm dụng quyền lực, chúng ta nên tiếp tục đường lối tự chủ để phát triển đất nước một cách độc lập”, bài xã luận viết.
Trước đó, trong bản tin phát đi sáng 1/3, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cho biết lãnh đạo Mỹ-Triều đã có các cuộc trao đổi mang tính xây dựng và thẳng thắn trong các cuộc gặp tại Việt Nam liên quan đến các vấn đề thực tiễn trong việc phát triển mối quan hệ giữa 2 nước.
KCNA cũng khẳng định 2 nhà lãnh đạo đã đồng ý giữ liên lạc về vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, tiếp tục các cuộc đối thoại hữu ích về các vấn đề đã được thảo luận tại hội nghị ở Hà Nội.
Truyền hình Triều Tiên hồi đầu tuần phát bộ phim tài liệu dài 75 phút, nói về nỗ lực ngoại giao của Kim Jong-un với Trump, nhưng không đề cập đến việc cuộc họp lần hai không đạt được thoả thuận chung.
Vi An (T/h)