Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trẻ em mắc sốt xuất huyết hạ sốt vẫn có thể diễn biến nặng

(DS&PL) -

Sốt xuất huyết có thể kéo dài 7 ngày, một số trường hợp lâu hơn như trẻ lớn, người lớn. Mọi người cần theo dõi bệnh nhân cẩn thận để phát hiện ra những dấu hiệu bất thường, cảnh báo bệnh trở nặng.

Trên địa bàn TP. HCM, số bệnh nhân sốt xuất huyết đang tăng cao với số ca nặng cao gấp 5 lần so với năm 2021. Ngày 27/5, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM) đã liên tiếp cấp cứu 2 trường hợp trẻ nhũ nhi sốc sốt xuất huyết nặng. Hai bé đều dưới một tuổi và nhập viện trong tình trạng nguy kịch, Tri Thức Trực Tuyến đưa tin. 

Đây là trường hợp của 2 bé gái Nguyễn Lê Nguyệt M. (4 tháng tuổi, ngụ tại quận 12, TP. HCM) và bé Phan Nhã U. (8 tháng tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức, TP. HCM).

Cả hai bé đều có bệnh sử giống nhau là 3 ngày đầu sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt có giảm nhưng sốt trở lại. Qua ngày thứ 4, bé bớt sốt nhưng lừ đừ, bú kém, tay chân lạnh, môi tái nên gia đình đã đưa tới bệnh viện khám.

Theo PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, 2 bệnh nhi đều nhập viện trong tình trạng rất nặng với môi tái, chi mát, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, gan to, chấm xuất huyết rải rác kèm theo máu cô đặc với dung tích hồng cầu lên đến 51%.

Trẻ được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue nặng (độ nặng nhất), tiên lượng nặng vì xảy ra ở trẻ dưới 1 tuổi. Ngay lập tức, 2 bệnh nhi được cho thở oxy, thiết lập đường truyền tĩnh mạch để truyền dịch chống sốc.  

Tuy nhiên, do trẻ nhỏ và tình trạng trụy tim mạch rất nặng, việc tiếp cận đường truyền tĩnh mạch khó khăn. Các bác sĩ phải chọc tủy xương và bộc lộ tĩnh mạch để có đường truyền cấp cứu cho bé. Sau đó, trẻ được truyền dung dịch điện giải và cao phân tử để chống sốc.

2 bé nhập viện trong tình trạng nguy kịch, thiếu máu nặng nên các bác sĩ phải khẩn trương truyền máu, các chế phẩm máu như huyết tương tươi, kết tủa lạnh và tiểu cầu để ổn định đông máu, tránh nguy cơ xuất huyết tiêu hóa hay xuất huyết não ở trẻ.

Ngoài ra, 2 bé còn bị suy hô hấp nặng do phù mô kẽ và tràn dịch màng phổi, màng bụng lượng nhiều. Sau hơn 3 ngày cấp cứu tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, tình trạng 2 bé cải thiện tốt và được chuyển lên khoa Sốt xuất huyết. Sau quá trình điều trị, hai bé đã phục hồi, tỉnh táo, bú tốt và được xuất viện.

Ảnh minh họa.

PGS.TS Phạm Văn Quang cảnh báo bệnh sốt xuất huyết Dengue có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, từ trẻ nhũ nhi đến trẻ lớn và người lớn. Mọi người phải luôn cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết Dengue vì nguy cơ bệnh trở nặng và tử vong.

Triệu chứng của bệnh gồm: Trẻ sốt cao liên tục 2-7 ngày kèm dấu hiệu xuất huyết như chấm xuất huyết ở da (thường ở cánh tay, cẳng chân), chảy máu răng, máu mũi.

Khi trở nặng, trẻ đau bụng nhiều, gan to, trụy tim mạch với tay chân lạnh, da nổi bông, ói máu hay tiêu phân đen. Khi phát hiện sốt 2-3 ngày, cần nghĩ ngay tới nguy cơ mắc sốt xuất huyết, đồng thời tới các cơ sở y tế để khám và có hướng điều trị kịp thời.

Sốt xuất huyết có thể kéo dài 7 ngày, một số trường hợp lâu hơn như trẻ lớn, người lớn. Mọi người cần theo dõi bệnh nhân cẩn thận để phát hiện ra những dấu hiệu bất thường, cảnh báo bệnh trở nặng.

TS.BS Nguyễn Minh Tuấn – Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) chia sẻ: "Thường vào ngày thứ 3 hoặc ngày thứ 6 (giai đoạn nguy hiểm nhất), bệnh nhân có dấu hiệu bắt đầu giảm hoặc hết sốt. Trong 24h sau khi bệnh nhân giảm hoặc hết sốt bệnh nhân có thể sẽ trở nặng.

Trường hợp này khác so với những trường hợp nhiễm siêu vi, nhiễm trùng khác. Thông thường bệnh nhân giảm sốt thì sẽ khỏe hơn . Tuy nhiên, trong trường hợp nhiễm sốt xuất huyết, nếu như bệnh nhân giảm sốt hoặc hết sốt nhưng lại mệt mỏi nhiều hơn , lừ đừ, nôn ói, đau bụng, xuất huyết nhiều, chảy máu mũi, chảy máu răng...chúng ta cần đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế khám để đánh giá kịp thời xem bệnh nhân có bị sốc hay xuất huyết nặng hay không để điều trị kịp thời".

Khi bệnh nhân hết sốt từ 2 ngày trở lên mà không có những biến chứng nặng gì xảy ra như không đau bụng, không nôn ói hay không xuất huyết nhiều, không đi cầu phân đen...ăn uống được, khỏe khoắn hơn, tiểu nhiều, cảm giác hơi ngứa ngoài da thì bệnh nhân đang đà khỏi bệnh. Từ ngày thứ 7 trở đi được coi là tương đối an toàn đối với người bệnh.

Theo thông tin do VOV ghi nhận, một bộ phận người dân tại TP. HCM vẫn còn chưa chú trọng trong việc phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Tại Tổ 125, ấp Tam Đông 3, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn vừa có một bệnh nhân tử vong do mắc sốt xuất huyết (SXH). Thế nhưng, ở khu trọ ngay bên cạnh, các vật dụng, chai lọ chứa nước có thể trở thành nơi cho muỗi đẻ trứng, chứa lăng quăng, vẫn rải rác khắp vườn. Đáng nói, ở khu vực này, người dân nuôi rất nhiều gà chọi, sử dụng tô đựng thức ăn cho gà nhưng sau một trận mưa, các đồ dùng này trở thành các ổ lăng quăng mà không có ai kiểm tra và đổ bỏ.

Một người khác ở trọ tại Tổ 125 cho biết, nhà chị cạnh vài ngôi mộ, nên thi thoảng vẫn tìm và lật úp các chai lọ nếu có. Nhà chị không có thói quen ngủ mùng (màn), nên khi biết trong khu vực có người tử vong do sốt xuất huyết, gia đình chị có mua thêm bình xịt muỗi. Tuy nhiên, chị cũng hiểu, một mình chị phòng tránh như vậy là chưa đủ khi bà con xung quanh còn thờ ơ.

Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện Hóc Môn có 47 ổ dịch với 773 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 139% so với cùng kỳ năm 2021, đứng thứ 5 của TP. HCM. Toàn huyện có 53 ổ dịch sốt xuất huyết tại 11/12 xã.

Lý giải vấn đề này, lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn chia sẻ, huyện có trên 50% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, vẫn còn một số hộ gia đình trữ nước bằng lu, hồ để sử dụng cho việc chăn nuôi hoặc tưới cây... tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi và phát triển. Thời gian tới, huyện sẽ quyết liệt thực hiện các giải pháp để kéo giảm dịch bệnh dưới sự hỗ trợ của Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố, sở Y tế…

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP. HCM Nguyễn Hữu Hưng, ngành y tế đã dự báo từ trước về tình hình dịch sốt xuất huyết, cho đến bây giờ thì nguy cơ bùng dịch đã hiện hữu. Cụ thể là số ca mắc, số ca nặng và số ca tử vong đều tăng cao hơn cùng kỳ năm 2021. Mặc dù dịch bệnh sốt xuất huyết là bệnh lưu hành tại thành phố, thế nhưng các dấu hiệu năm nay cho thấy nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn.

Bích Thảo (T/h) 

Tin nổi bật