Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tranh tụng quyết liệt, Dương Chí Dũng và đồng phạm có thoát tội?

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay (24/4) luật sư bào chữa cho các bị cáo liên tục đề nghị HĐXX xem xét hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại.

(ĐSPL) - Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay (24/4), luật sư bào chữa cho các bị cáo liên tục đề nghị HĐXX xem xét hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại.
Mở đầu là phần tranh luận của Luật sư Nguyễn Đình Hưng bào chữa cho bị cáo Trần Hải Sơn, nguyên Tổng GĐ CTy TNHH sửa chữa tàu biển thuộc Vinalines, nguyên Phó Trưởng BQLDA nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam. 
Tại phiên sơ thẩm, HĐXX đã nhận định Trần Hải Sơn là người giúp sức tích cực nhất cho Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc trong việc tham ô 1,666 triệu USD từ thương vụ mua ụ nổi 83M.
HĐXX nhận định: Đối với bị cáo Dương Chí Dũng, đại diện cơ quan công tố kết luận bị cáo là người chủ mưu, đồng thời là người thực hiện tích cực nhất các hành vi phạm tội, cả tội Cố ý làm trái lẫn Tham ô tài sản, phải chịu trách nhiệm cao nhất, chịu mức bồi thường nhiều nhất. Mức án 18 năm tù cấp sơ thẩm tuyên dành cho tội cố ý làm trái của Dũng, VKS cho là có cơ sở, đúng pháp luật. Thậm chí VKS cho rằng cần tăng mức bồi thường đối với bị cáo so với số tiền 110 tỷ đồng tòa sơ thẩm đã tuyên. Vì vậy, việc bị cáo Trần Hải Sơn phải nhận 14 năm tù về tội tham ô như cấp sơ thẩm tuyên, thậm chí kiểm sát viên cho rằng đã nhẹ hơn so với hành vi phạm tội của bị cáo nên không có căn cứ xem xét giảm hình phạt về tội này với Sơn như yêu cầu kháng cáo.
Bị cáo Dương Chí Dũng và đồng phạm tại phiên toà phúc thẩm.
Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Đình Hưng đề nghị HĐXX làm rõ sự liên quan giữa tội Cố ý làm trái và Tham ô. Luật sư cho rằng, không thấy chứng cứ chứng minnh về khoản tiền tham ô, ngoại trừ việc có một khoản tiền từ Công ty AP chuyển về cho Công ty Phú Hà và từ công ty này chia cho các bị cáo.
Các bị cáo phạm tội Tham ô phải có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, dùng thủ đoạn nào đó để chiếm đoạt khoản tiền do mình quản lý.
Bản án nhận định, căn cứ vào hợp đồng giữa Vinalines và Công ty AP, Vinalines đã chuyển cho công ty AP 9 triệu USD, khoản tiền này có quay về hay không thì không có chứng cứ chứng minh.
Luật sư Hưng cũng đề nghị HĐXX xem xét tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Trần Hải Sơn trước khi đưa ra bản án cuối cùng. 
Luật sư Hưng nhấn mạnh: Đã là hậu quả của tội Cố ý làm trái thì không thể tiếp tục tính là hậu quả của tội Tham ô. Một hành vi khách quan nhưng lại được xác định cho hai tội danh là bất cập. 
Theo luật sư Hưng, khi xem xét định tội cần phải xem xét cho bị cáo cả hoàn cảnh khách quan liên quan đến cơ chế chính sách không hợp lý. Cứ cho là có việc chia nhau 1,666 triệu USD này đi, thì đây cũng chỉ là yếu tố “trục lợi” của tội Cố ý làm trái.
Luật sư Phạm Thanh Sơn bào chữa cho bị cáo Trần Hữu Chiều (nguyên Phó Tổng Giám đốc Vinalines) tiến hành nêu quan điểm bào chữa. Ở phiên sơ thẩm, bị cáo Chiều phải nhận mức án 10 năm tù về tội tham ô, 9 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước. Tổng án phạt là 19 năm tù.
Bị cáo Trần Hữu Chiều tại phiên tòa.
Luật sư Sơn cho rằng, chưa đủ căn cứ để kết tội các bị cáo, trong đó có bị cáo Chiều phạm tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước. Theo luật sư biện giải, vai trò của bị cáo Chiều trong vụ án là hoàn toàn thụ động. Bị cáo Chiều từ đầu đến cuối đều thực hiện theo chỉ đạo, theo nghị quyết của HĐQT. 
Tất cả đều được thể hiện trong hồ sơ dự án. Vai trò của bị cáo Chiều trong vụ án là rất mờ nhạt, hành vi trên thực tế là nhận nhiệm vụ và thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo. Ông cho rằng những chi tiết này hoàn toàn đầy đủ căn cứ pháp lý để giảm án cho bị cáo Chiều. Luật sư Sơn cũng đề nghị HĐXX xem xét hủy án sơ thẩm đối với tội Tham ô của bị cáo Chiều, trả hồ sơ điều tra lại.
Cũng như các Luật sư bào chữa khác, Luật sư Sơn đề nghị HĐXX xem xét những tình tiết giảm nhẹ dành cho bị cáo Chiều. Ông cho rằng trong phiên sơ thẩm và phần luận tội của đại diện VKS ở phiên phúc thẩm, những tình tiết giảm nhẹ này không được nêu ra.
Luật sư Phạm Thị Thúy Kiều bào chữa cho bị cáo Khang nêu quan điểm. Tại phiên sơ thẩm, bị cáo Mai Văn Khang (nguyên Phó Tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam) bị tuyên phạt 7 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước, bồi thường dân sự 12 tỷ đồng. Luật sư Kiều cho rằng mức án 7 năm và mức bồi thường dân sự như án sơ thẩm đã tuyên là quá cao.
 Luật sư cho rằng, Mai Văn Khang chỉ phiên dịch tiếng Anh.
Luật sư Kiều cho rằng, bị cáo Khang chỉ đóng một vai trò rất nhỏ trong toàn bộ vụ án và có rất ít mối liên hệ với các bị cáo khác. Qua đó, luật sư đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Khang. Về vai trò của bị cáo Khang trong dự án hoàn toàn là nhận nhiệm vụ, thay đồng chí trưởng ban vì ông trưởng ban không ở Hà Nội nên ông Khang được chỉ định thay thế. 
Luật sư Kiều nhấn mạnh: Trong đoàn khảo sát, bị cáo Khang chủ yếu tham gia phiên dịch tiếng Anh. Ngoài ra, bị cáo Khang đã bị chuyển công tác từ trước khi lãnh đạo Vinalines ký hợp đồng mua ụ 83M.
Như vậy, theo luật sư Kiều, bị cáo Khang hoàn toàn không nhận một ý chí chỉ đạo nào từ lãnh đạo Vinalines. Trong khi đó, bản án sơ thẩm đã nêu rằng bị cáo Khang và một số bị bị cáo khác nhận chỉ đạo từ Dương Chí Dũng. Do đó, luật sư Kiều đề nghị HĐXX xem xét sửa lại chi tiết này trong bản án sơ thẩm.
Theo quan điểm bào chữa, Khang chỉ có một hành vi duy nhất là ký nháy vào báo cáo khảo sát. Trong khi đó bản án sơ thẩm quy kết rằng, bị cáo Khang đã tham gia nghiên cứu và sửa báo cáo khảo sát. Sự quy kết này là không có căn cứ, là không đúng, không phù hợp với nội dung của vụ án.
Có thể thấy, ngay sau khi phiên xét xử phúc thẩm Dương Chí Dũng và đồng phạm bắt đầu, các luật sư đã đưa ra những lý lẽ sắc bén, những tình tiết mới có lợi cho thân chủ của mình. Liệu sự cố gắng của các luật sư có làm cho "thế sự" thay đổi...
Báo Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục cập nhật.....

Tin nổi bật