Tuân theo quy luật luân chuyển địa bàn, làm mới lãnh địa hoạt động, các đối tượng cướp giật chuyển ra hoạt động ở các tỉnh lân cận TP.HCM. |
Tránh bão, dạt vùng
Sau khi các kế hoạch trấn áp tội phạm cướp giật của Công an TP.HCM được triển khai một cách đồng bộ, tuy không triệt tiêu hoàn toàn tình trạng cướp giật trên đường phố nhưng cũng khiến dạng tội phạm này cảm thấy chùn bước, khiếp sợ. Ngoài ra, việc báo chí liên tục đăng tải, cập nhật các trường hợp bị cướp giật, phân tích nguyên nhân,... cũng khiến người dân đề cao cảnh giác, bảo vệ tài sản. Trong bối cảnh trên, các đối tượng cướp giật nhanh chóng hiểu rằng cần phải thực hiện quy luật luân chuyển địa bàn hoạt động. Mặc dù không bỏ hẳn “miếng mồi ngon” là đường phố nhộn nhịp tại TP.HCM, chúng buộc phải rải ra các tỉnh lân cận, có nhịp sống gần giống thành phố này để “kiếm ăn”.
Khẳng định quan điểm trên, Trung tá Huỳnh Trọng Nghĩa, Trưởng công an P.Phạm Ngũ Lão (Q.1, TP.HCM) cho biết: “Các đối tượng cướp giật rất linh động. Chúng không tập trung ở một địa bàn bao giờ. Chúng thường xuyên đi lang bạt từ quận này sang quận khác, thậm chí từ TP.HCM sang các tỉnh lân cận. Trên đường di chuyển, nếu chúng phát hiện con mồi, sẽ ra tay. Chính từ sự lưu động đó, mà chúng ta rất khó điều tra, phát hiện loại tội phạm này”. Cũng theo Trung tá Nghĩa, thực chất đây là một trong số những “chiêu” ngụy trang để săn hàng của cướp giật. Tận dụng sự lưu động, chúng có được yếu tố bất ngờ. Việc rời bỏ nơi ăn hàng quen thuộc để “làm ăn” ở một địa phương, mà ở đó cơ quan chức năng, người dân còn chủ quan sẽ giúp chúng dễ tẩu thoát hơn.
“Hiệp sỹ” săn bắt cướp hoạt động tại TP.HCM Nguyễn Văn Minh Tiến cho biết: “Trên thực tế, một bộ phận lớn các tên cướp giật trên địa bàn TP.HCM đều được cơ quan công an cũng như chúng tôi điểm mặt và bí mật theo dõi. Do đó, nhiều khi chỉ cần điểm qua những thông tin như cướp ở khu vực nào, cách thức cướp ra sao, thường đi bao nhiêu đối tượng,... chúng tôi có thể đoán biết kẻ gây án. Tuy nhiên, nếu một đối tượng lạ mặt từ nơi khác đến, bất thình lình ra tay rồi tẩu thoát thì khó để truy bắt, điều tra hơn. Bởi chúng ta chưa biết, chưa nắm được quy luật của những đối tượng này nên việc theo dõi, đeo bám khá vất vả”. Nhận biết điểm yếu trên, các đối tượng cướp giật tự tạo ra cái gọi là luân chuyển địa bàn để dễ ra tay cũng như lẩn trốn. Đa số các đối tượng cướp giật thường luân phiên dạt ra các tỉnh ngoại vi TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai,... để gây án.
Lý giải việc cướp giật thường xuyên lựa chọn các tỉnh trên để “ăn hàng”, “hiệp sỹ” Nguyễn Thanh Hải, Đội trưởng CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, TP. Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) cho biết: “Hiện nay, đúng là có hiện tượng các đối tượng cướp giật từ TP.HCM dạt ra các tỉnh khác hoạt động, trong đó có Bình Dương. Đặc biệt, tại Bình Dương, chúng tập trung vào các huyện gần TP.HCM nhất như Thuận An, Dĩ An. Sở dĩ, chúng dạt ra khỏi TP.HCM vì muốn thay đổi môi trường đã bị công an, đặc nhiệm theo dõi, và hy vọng vào sự sơ hở, thiếu đề phòng của người dân cũng như cơ quan chức năng tại địa bàn mới. Hơn nữa, hai huyện này cũng giáp ranh TP.HCM, dễ dàng cho chúng luân chuyển qua lại. Khi bắt được và truy hỏi, chúng đều khai như vậy”.
Bài học kinh nghiệm của các “hiệp sỹ” săn bắt cướp
Cùng hoàn cảnh trên, TP. Biên Hòa cũng phải đối mặt với sự hoành hành của những đối tượng cướp giật lưu động từ các tỉnh lân cận. Theo đó, Trung tá Nguyễn Huy Hoàng, Phó đội trưởng đội điều tra tội phạm TTXH Công an TP. Biên Hòa cho biết: “TP. Biên Hòa cũng nằm trong tình hình chung, là có các đối tượng tội phạm từ địa phương khác đến gây án. Đặc biệt, tội phạm cướp giật trên địa bàn phần lớn là các đối tượng nằm ngoài tỉnh. Công tác chống tội phạm nói chung và tội phạm cướp giật nói riêng của thành phố đầu năm 2014, được chúng tôi đẩy mạnh, kiên quyết trấn áp nên đã giảm hẳn số vụ vi phạm. Chúng tôi đề cao, làm triệt để công tác quản lý các đối tượng thuộc thành phần bất hảo nên hạn chế tối đa những người này hoạt động hoặc tiếp tay cho các hoạt động phạm pháp”.
Tuy nhiên, cũng theo Trung tá Hoàng, hiện TP. Biên Hòa vẫn là địa điểm thường xuyên được các đối tượng cướp giật nhắm đến. ông cho biết, sở dĩ có hiện tượng trên là do Biên Hòa có dân số đông, tập trung nhiều khu công nghiệp nên có nhiều thành phần dân cư tập trung sinh sống. Từ chỗ thành phần dân cư phức tạp, nhiều công nhân, các đối tượng cướp giật dễ dàng trà trộn, ẩn mình, theo dõi và ra tay mỗi khi có cơ hội.
Theo cơ quan Công an TP.Biên Hòa, cũng như ghi nhận thực tế từ người dân địa phương, các tuyến đường như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1K, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp là một trong những địa điểm thường xuyên bị các đối tượng cướp giật nhắm tới. “Hiện nay, thành phố vẫn có hiện tượng các đối tượng cướp giật vãng lai từ các tỉnh khác đến hoạt động tại các khu công nghiệp. Phức tạp hơn, chúng còn tổ chức, móc nối với các đối tượng tội phạm tại địa phương để phạm pháp. Xung quanh khu công nghiệp tập trung nhiều thành phần dân cư, đời sống lại khá phức tạp nên tội phạm cướp giật tụ tập, rình mò. Tình trạng này mặc dù không thường xuyên, nhưng vẫn có tại địa bàn”, Trung tá Hoàng cho biết thêm.
Trong khi đó, các huyện giáp ranh TP.HCM của tỉnh Bình Dương như Dĩ An, Thuận An do cũng tập trung nhiều khu công nghiệp nên tình trạng cướp giật xảy ra có phần táo bạo, manh động hơn. “Hiệp sỹ” Hải nhấn mạnh: “Hai huyện này rất gần TP.HCM nên bọn cướp giật thường xuyên hoạt động. Bọn chúng có một quy luật rất dễ nhận biết, là không bao giờ đi quá xa, chỉ tập trung ở các khu vực đông dân cư, thành phố, đô thị phát triển, khu công nghiệp đông đúc.
Theo đó, TP.HCM là một địa bàn lý tưởng để chúng hoạt động. Tuy nhiên, vì Công an TP.HCM làm mạnh tay, hầu hết chúng đều bị phát hiện, theo dõi nên tìm các địa bàn tương tự, gần kề để “đổi gió”. Thuận An, Dĩ An rất gần TP.HCM, quan trọng hơn vì người dân chưa đối mặt với cướp giật nhiều như ở TP.HCM nên còn chủ quan, vô tình tạo thành địa điểm lý tưởng cho chúng khai thác”.
Khẳng định tình trạng trên, ông Phạm Quốc Toản, Đội phó đội Điều tra Công an thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) cho biết: “Hầu hết các đối tượng tội phạm nói chung và các đối tượng cướp giật nói riêng tại địa bàn thị xã đều từ địa phương khác đổ dồn về. Thị xã tập trung nhiều khu công nghiệp, thành phần dân cư rất phức tạp nên bọn tội phạm dễ dàng trà trộn, ẩn mình hoạt động. Trong các khu công nghiệp tội phạm trộm cướp là nhiều nhất, ngoài ra tình trạng cướp giật cũng diễn biến phức tạp”.
Cùng quan điểm trên, hiệp sỹ Hải cho biết, đa số các đối tượng là tội phạm cướp giật thường không lưu trú tại địa phương mà chỉ di chuyển đến địa bàn gây án. “Mới hôm trước, tôi trực tiếp theo dõi, bắt thành công hai đối tượng một nam một nữ cướp xe tại Q.Tân Phú (TP.HCM) chạy xuống đây tiêu thụ. Qua xác minh, tôi nhận biết hai đối tượng này thường xuyên luân chuyển gây án ở TP.HCM và Bình Dương nên theo dõi, bắt ngay trong ngày”, hiệp sỹ Hải kể.
Đòn ra tay bất ngờ Trung tá Nguyễn Huy Hoàng cho rằng: “Nguyên nhân chủ yếu của việc các đối tượng cướp giật luân chuyển địa bàn gây án là để tránh sự theo dõi, điều tra của cơ quan chức năng tại địa bàn cũ. Ngoài ra, khi di chuyển ra địa bàn khác hoạt động, chúng tranh thủ được sự bất ngờ từ cơ quan chức năng tại đây, cũng như sự chủ quan, lạ lẫm của người dân địa phương. Các đối tượng có thể luân chuyển như trên thường là những tên tội phạm hết sức manh động, liều lĩnh và có “kinh nghiệm” phạm pháp tại nhiều địa phương”. |