Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trắng đêm “hồi sức” cho những “chiến mã” Hoàng Sa

(DS&PL) -

(ĐSPL)- Nước da cháy nắng, tấm lưng đầm đìa mồ hôi, anh Bùi Hoài Nam nói trong tiếng thở: "Từ ngày TQ hạ đặt giàn khoan trái phép đến nay, số lượng tàu hư hỏng chuyển về ngày một nhiều".

(ĐSPL) - Những ngày này, đi ngang khu vực sửa chữa tàu của nhà máy X.50 (thuộc Tổng Công ty Sông Thu) người ta luôn nghe thấy những tiếng máy hàn, động cơ phát ra từ xưởng, bất kể đó là lúc sáng sớm hay khi phố xá đã chìm vào giấc ngủ.

Những người công nhân, kỹ sư ở nhà máy X.50 không chỉ là người hàn gắn, sửa chữa hư hỏng cho những con tàu trở về từ Hoàng Sa, mà họ còn là "hậu phương" vững chắc giúp những người lính nơi đảo xa thêm chắc tay súng.

Đêm trắng vì "bệnh nhân"

11h30 trưa, dưới cái nắng như thiêu như đốt, những người công nhân tại nhà máy X.50 (thuộc Tổng Công ty Sông Thu, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) vẫn miệt mài với công việc. Nhiều thợ máy làm trong buồng lái còn những người khác phải "phơi" mình giữa nắng gắt, hàn cho xong một "vết thương" của tàu. Nước da cháy nắng, tấm lưng đầm đìa mồ hôi, anh Bùi Hoài Nam (xưởng X.50, thuộc Tổng Công ty Sông Thu) nói trong tiếng thở: "Từ ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đến nay, số lượng tàu bị thương, hư hỏng ngày một nhiều. Tuy nhiên, khi tàu được đưa về đây, anh em trong nhà máy đều cố gắng hết mức có thể để những con tàu quay về biển nhanh nhất. Thời tiết nắng nóng khiến công việc khá vất vả, tuy nhiên khi nghĩ đến anh em chiến sỹ đang kiên cường bám biển còn vất vả gấp nhiều lần, chúng tôi lại tự bảo nhau cố gắng thêm chút nữa".

Bí thư Đảng ủy của nhà máy, Lê Văn Lưu cho hay, toàn nhà máy X.50 có 380 người, mỗi người một công việc, một trách nhiệm cụ thể. Nhưng đến những ngày này, tất cả lực lượng đều tập trung vào nhiệm vụ quan trọng nhất là sửa chữa các tàu Kiểm ngư, cảnh sát biển và tàu ngư dân "bị thương" từ Hoàng Sa trở về. 80 công nhân, kỹ sư chính của nhà máy, là những người "bác sỹ" trực tiếp tham gia "chữa trị" cho các con tàu gặp nạn. Họ chia nhau thành ba ca, làm liên tục không kể ngày đêm. 6h sáng bắt tay vào việc đến tận 1 - 2h sáng hôm sau, có tổ làm việc đến tận 4h sáng. Những người còn lại của nhà máy cũng giống như "y tá, hộ lý, điều dưỡng..." của một bệnh viện chuyên nghiệp. Họ được chỉ đạo để lo cơm nước, hậu cần. Ban giám đốc nhà máy trực tiếp xuống xưởng điều hành để khích lệ tinh thần anh em và đôn đốc công việc sao cho đạt tiến độ nhanh nhất.

Anh Lê Hữu Duẩn, Quản đốc phân xưởng vỏ tàu nhà máy X.50, sau một đêm thức trắng cùng anh em "vá" lại be mạn phải cho tàu KN-629 kể: "Những ngày này chúng tôi bắt đầu công việc từ sáng sớm ngày hôm nay đến 1 - 2h sáng hôm sau. Cả đội thay phiên làm việc, quyết tâm hoàn thành công việc kịp tiến độ. Mọi hoạt động ăn uống, ngủ nghỉ đều tiến hành tại chỗ. Tuy mệt nhưng thấy tinh thần của anh em đều hăng hái, khí thế làm việc lên cao nên ai cũng vui. Và lại càng vui hơn khi mình được đóng  góp một phần nhỏ sức lực vào việc bảo vệ chủ quyền đất nước".

Có thể nói, tiến độ làm việc ở "bệnh viện" tàu biển X.50 chưa bao giờ lên cao đến thế. Mặc dù áp lực công việc đè nặng trên vai, lại thêm thời tiết nắng nóng nhưng các anh vẫn luôn hết mình vì công việc. Anh Nam trải lòng: "Đây là nhiệm vụ thiêng liêng nên ai nấy trong nhà máy đều cảm thấy tự hào. Chúng tôi làm việc hoàn toàn tự nguyện. Có người trong xưởng còn mong muốn làm ca dài mà không cần giao ca. Chính vì thế chúng tôi không hề thấy áp lực mà ngược lại còn thấy vui".

Kỹ sư, thợ máy đang gấp rút sửa chữa cho tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển bị hư hỏng khi đụng độ với tàu Trung Quốc.

"Nhanh nhưng không được ẩu"

Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Bùi Đức Cường, Phó phòng Kỹ thuật sản xuất cho biết: "Những ngày qua X.50 hệt như một chảo lửa. Sức nóng ở đây không chỉ bởi nhiệt độ ngoài trời mà trên hết đó là khí thế, tinh thần làm việc hừng hực của cán bộ, công nhân toàn nhà máy. Ai cũng mong những con "chiến mã" của biển khơi sớm trở về Hoàng Sa làm nhiệm vụ. Nói là vậy nhưng việc sửa chữa những hư hỏng, hàn gắn những "vết thương" cho mỗi con tàu kiểm ngư, cảnh sát biển và ngư dân bị Trung Quốc làm hư hỏng thực ra không hề dễ dàng. Bởi "bệnh" của mỗi con tàu không hề giống nhau".

Ông Cường chia sẻ thêm, thậm chí chúng có đến "1001" kiểu hư hỏng, lớn có, nhỏ có. Nào là phần vỏ, phần bánh lái, ống khói, phần boong, các thiết bị điện tử, viễn thông... Và ở mỗi phần cách "chữa trị" cũng khác nhau. Trước đây việc sửa chữa tàu hư hỏng do gặp tai nạn trên biển bình thường kéo dài cả tuần. Nhưng với tình hình hiện nay, thời gian tối đa cho phép để sửa một con tàu là 36 tiếng đồng hồ, có tàu chỉ 12 tiếng. Với từng ấy thời gian cũng có nghĩa là một con tàu sáng cập cảng, chiều ra khơi. Tuy gấp rút, nhưng bằng sự cố gắng của cả tập thể X.50, khi ra đến biển lớn, "vết thương" trên mình những con chiến mã đã kịp "liền da".

Trung tá Mai Văn Chính (áo trắng) động viên tinh thần công nhân công ty.

Hôm nay, con tàu KN - 765 cập cảng trong tình trạng "trọng thương". Các "bác sỹ" của bệnh viện X.50 lại gồng mình làm việc thông trưa. Hòa trong tốp thợ đang xuống tàu còn có Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, Phó giám đốc nhà máy. ông tất bật chỉ đạo anh em. Ai lo phần cắt, ai lo phần hàn, ai lo phần thay trang thiết bị cho tàu đều được ông phân công cụ thể. Công tác chuẩn bị dụng cụ cũng đã được bố trí chu đáo ngay khi nhận thông báo có tàu về. Từ sáng sớm, các công nhân đã tập kết sẵn sàng tôn, thép, bình ô-xy, thiết bị... trên cầu cảng. Chính vì sự chủ động, linh hoạt này mà chẳng mấy chốc, anh em đã nắm được nhiệm vụ của mình và cả tổ phối hợp với nhau làm việc một cách nhịp nhàng.

Nhờ vậy, chưa đầy 36 giờ đồng hồ, "chiến mã" KN - 765 đã được quay trở về Biển Đông sát cánh cùng đồng đội. Ngay sau đó, những con tàu CSB 4033, CSB 2012 mặc dù "bị thương" rất nặng nhưng cũng nhanh chóng được sửa chữa. Anh Nguyễn Văn Thanh (xưởng X.50, thuộc Tổng Công ty Sông Thu), dù đang cặm cụi với công việc, nhưng khi được hỏi về những con tàu vừa rời cầu cảng, anh lại phấn khởi đến kỳ lạ. Anh Thanh cho biết: "Mặc dù phải làm việc với cường độ công việc rất lớn nhưng anh em làm với phương châm "nhanh nhưng không được ẩu". Yếu tố kỹ thuật luôn được đặt lên hàng đầu. Mỗi anh em ở đây đều ý thức được tầm quan trọng của công việc mình đang làm. Chính vì vậy, mỗi con tàu ra khơi không chỉ là sự thành công của tập thể, mà còn mang theo cả tình cảm và niềm tin yêu của những người thợ chúng tôi gửi đến khơi xa. Mong anh em tiếp tục chắc tay súng để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của đất nước".

Các công nhân ở nhà máy X.50 tự hào chia sẻ với chúng tôi, từ khi "xuất viện" cho đến nay, mấy chục con tàu, từng là "bệnh nhân" của "bệnh viện" chưa tàu nào trở về sửa chữa lần thứ hai. Có lẽ, chỉ bằng những điều này thôi cũng đủ khẳng định, ở nhà máy X.50 chất lượng luôn đi đôi với năng suất. Và cũng không thể phủ nhận trình độ "chuyên môn" cũng như cái "tâm" của các "bác sỹ" nơi đây. Chúng tôi rời nhà máy khi trời đã quá trưa, những người thợ vẫn miệt mài làm việc. Không ai nói với nhau câu nào, nhưng có một điều mà ai cũng ngầm hiểu, đêm nay sẽ lại là một đêm trắng của cán bộ, công nhân tại nhà máy. Và chắc chắn rằng, tiếng máy hàn, tiếng động cơ sẽ còn vang suốt ngày đêm để biển trời quê hương yên bình.   

"Chữa bệnh" trên biển Hoàng Sa

Theo Thượng tá Phan Đình Phong, Chủ nhiệm Chính trị (Tổng Công ty Sông Thu), trong đợt cao điểm ra quân này, TCT Sông Thu đã cử một số đội lính thợ cơ động trực tiếp theo tàu ra biển để sẵn sàng sửa chữa, thay thế một số thiết bị tại chỗ nếu tàu Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm, húc gây hư hỏng. Ngoài ra, có đội thợ máy đóng ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), để nếu tàu nào hư hỏng nhẹ từ Hoàng Sa đưa về Lý Sơn cho gần, trường hợp tàu nào hư hỏng quá nặng thì mới đưa về cảng Sông Thu để sửa chữa.

Tin nổi bật