Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trận chiến Vị Xuyên trong ký ức người lính: Khúc tráng ca bi hùng

(DS&PL) -

"Các anh nằm lại Vị Xuyên/ Hai ngàn liệt sĩ ở trên đồi này/ Nén hương đầu gió khói lay/ Khói hương chia khắp bia này mộ kia/Âm dương hai ngả cách chia..."

"Các anh nằm lại Vị Xuyên/ Hai ngàn liệt sĩ ở trên đồi này/ Nén hương đầu gió khói lay/ Khói hương chia khắp bia này mộ kia/Âm dương hai ngả cách chia/Hai ngàn tay súng đi về tận đâu"...

Đơn vị pháo 105 Vị Xuyên.

Ký ức khói lửa

Trong số những cựu chiến binh tham gia trận đánh lên điểm cao 1509 bị quân xâm lược chiếm giữ ngày 28/4/1984 mà đoàn nhà văn chúng tôi tiếp xúc ở Hà Giang có Đại tá Phan Lạc Hợi, đi bộ đội năm 1976, từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia, sau đó được điều lên biên giới Hà Giang.

Đại tá Phan Lạc Hợi cho biết, sau một tháng liền bị địch pháo kích cả ngày lẫn đêm, phải sống trong vùng "Lò vôi thế kỷ" Vị Xuyên là một cực hình đối với những chiến sĩ chốt giữ các điểm cao. Màu xanh của rừng biến mất, pháo địch biến các điểm cao trơ trụi toàn đá này thành “Lò vôi thế kỷ” ở ngã ba Thanh Thủy.

Chỉ nguyên việc một tháng liền nằm trong tầm pháo bắn của địch, phải chịu đựng tiếng nổ, chịu đựng sức ép của thuốc nổ, chịu đựng sự tra tấn căng thẳng đến tột cùng về mặt thần kinh mà người lính trận năm ấy không gục ngã cũng là một chuyện phi thường.

Đại tá Phan Lạc Hợi.

Ngày 28/4/1984, sau một tháng pháo kích không ngơi nghỉ, quân Trung Quốc ồ ạt tấn công các điểm cao dọc biên giới Vị Xuyên. Đại tá Hợi kể: Ngày hôm đó, chúng bắn gần một vạn viên đạn pháo lên các cao điểm này với chiến thuật "biển người","biển đạn".

Sau các loạt pháo bắn có tính hủy diệt, bộ binh xung phong lên chiếm chốt. Lúc đó, trận giáp chiến bằng súng bộ binh và lựu đạn diễn ra rất ác liệt trên từng đoạn chiến hào, từng mỏm đá, từng ngách hầm. Bộ đội kháng cự quyết liệt nhưng vì quân địch quá đông cùng với hỏa lực mạnh nên ta đành phải vừa đánh vừa rút xuống phòng ngự ở các cao điểm phía dưới, chờ tiếp viện.

Đến buổi chiều hôm đó, hai trung đoàn bộ binh Trung Quốc đã chiếm được một số cao điểm trọng yếu ở chiến tuyến Vị Xuyên như: 1509, 772, 685, 400, 300 và 233, trong đó có đỉnh 1509 rất quan trọng, vì từ đây có thể kiểm soát, khống chế các ngọn đồi phía dưới.

Đêm hôm đó, trong cánh quân của tiểu đoàn 3, sư đoàn 313, sĩ quan Hợi được lệnh đưa các chiến sĩ của mình lên giáp chiến ở đỉnh cao 1509. Là người lính có kinh nghiệm chiến trường, anh được chỉ huy giao nhiệm vụ có thể coi như "bất khả thi" này. Trong có một ngày, tiểu đoàn của anh chỉ còn lại 64 tay súng. "Cuộc chiến này rất khốc liệt nhưng với vai trò của người lính, chúng ta phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ từng tấc đất biên cương, dẫu phải hy sinh", anh động viên đồng đội, những người lính còn rất trẻ.

Những trận giáp chiến

Đêm ấy, đội hình chiến đấu của các anh hành tiến hàng dọc. Để khỏi lạc nhau, mỗi chiến sĩ đều cài một khúc củi mục có ánh lân tinh phía sau ba lô. Lối mòn xuyên qua các vách đá cheo leo dẫn lên đỉnh 1509 là lối mòn tử thần. Với lợi thế trên cao, quân địch bố trí các dàn hỏa tiễn 20 nòng, 40 nòng và pháo, cối hạng nặng sẵn sàng giội lửa xuống bất kỳ điểm nghi vấn nào phía dưới.

Dọc lối mòn lên điểm cao, chiến sĩ ta vừa đi vừa phải dò mìn, đề phòng địch giăng bẫy. Bóng đêm giấu đi đội hình của họ nhưng cũng ẩn chứa bao nỗi hiểm nguy, bất trắc. Khi lên tới cao độ 1.100-1.200m, chợt có tiếng động khả nghi phía trước, nhóm chiến sĩ do anh Hợi chỉ huy dừng lại nghe ngóng. Sau một hồi thăm dò, họ nhận ra đấy là một trung đội của đại đội 7, sư đoàn 313 chốt trên đỉnh cao 1509 tưởng chừng đã bị xoá sổ ngày 28/4/1984 trong trận giáp chiến với quân Trung Quốc. Thực ra, sau trận giáp chiến, trung đội này rút xuống phòng ngự ở bình độ phía dưới. Lúc đó, hai trung đội sáp nhập với nhau, các chiến sĩ lại lặng lẽ tiếp cận lên đỉnh 1509.

Đoàn nhà văn viếng Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. (Tác giả Nguyễn Việt Chiến bìa phải ảnh).

Đường dây thông tin liên lạc hữu tuyến bị đứt do pháo địch bắn và liên lạc vô tuyến không được, nhóm chiến sĩ này không biết đã có lệnh của cấp trên yêu cầu rút xuống để bảo toàn lực lượng, tổ chức phòng ngự phía dưới. Vì thế mũi tiến công vẫn được triển khai.

Họ không ngờ trong đêm, quân địch vẫn đang dàn trận mai phục ở chính các chiến hào cũ của ta mà chúng vừa chiếm được. Trung đội trưởng Phúc đi đầu giẫm phải lớp cây địch giăng bẫy khiến mũi tiến công bị lộ. Đại liên của địch bắn xuống xối xả, anh Phúc và anh Lễ hy sinh ngay trên đoạn chiến hào giáp điểm cao 1509. Pháo binh và hỏa tiễn của địch dập xuống đỏ rực trời đêm. Ta kiên quyết giữ chốt không cho địch lấn xuống bình độ phía dưới trong những trận đánh khốc liệt.

Về trận đánh cảm tử ngày 12/7/1984, Đại tá Hợi nhớ lại: Sư đoàn 356 đánh cao điểm 772 và 233; sư đoàn 316 đánh các cao điểm 300 và 400. Trong trận đánh này, quân địch ở trên cao điểm 1509 và các bình độ trên cao phát hiện các hướng tấn công của quân ta ở phía dưới. Trận chiến ác liệt, thương binh, tử sĩ đem xuống phía dưới quá đông, nằm chật hang Hàng Lò, Hang Dơi và rải dọc đường quốc lộ từ km 6 về thị xã Hà Giang.

Sau đó, bộ đội ta được lệnh chuyển sang đánh phòng ngự, giữ các cao điểm phía dưới, không cho địch lấn xuống, 6 tháng thay quân một lần, ban ngày thì đánh địch phản kích từ trên cao xuống, ban đêm thì vận chuyển lương thực, vũ khí. Các chiến sĩ giữ chốt ban ngày phải nằm hầm đối mặt với đạn pháo, đạn bắn tỉa và các cuộc tập kích nhỏ, lẻ của địch. Còn các chiến sĩ vận chuyển cũng rất vất vả khi phải thức trắng đêm vận chuyển đạn, lương thực, đồ hộp, cơm nắm, gạo sấy, nước uống... cho anh em trên chốt. Lính thay phiên nhau, không giữ chốt thì xuống làm vận chuyển.

Sau khi nghe Đại tá Phan Lạc Hợi kể về trận chiến khốc liệt, đoàn nhà văn chúng tôi lên thắp hương tưởng niệm ở Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Trong không khí linh thiêng, xúc động giữa bạt ngàn các nấm mộ liệt sĩ có tên và chưa có tên, những vần thơ bỗng cháy lên trong tôi như một nén tâm nhang tưởng niệm các anh trong bài thơ “Hai ngàn tay súng chốt trên đồi này”: “Các anh nằm lại Vị Xuyên/ Hai ngàn liệt sĩ ở trên đồi này/ Nén hương đầu gió khói lay/ Khói hương chia khắp bia này mộ kia/Âm dương hai ngả cách chia/Hai ngàn tay súng đi về tận đâu/Mẹ ơi! Đất nước thương đau/Chúng con nằm lại núi sâu rừng già/Hai ngàn trái tim xót xa/Hai ngàn câu hát tình ca tắt rồi/Hai ngàn nỗi nhớ mồ côi/Hai ngàn ngọn lửa quên đời trong đêm/ Các anh nằm lại Vị Xuyên/ Hai ngàn tay súng chốt trên đồi này/ Các anh vẫn mãi còn đây/ Đội hình đánh giặc bao ngày không quên/ Thưa mẹ, sớm nay bình yên/ Hai ngàn gương mặt hồn nhiên hiện về”.

Bút ký của Nguyễn Việt Chiến

Tin nổi bật