Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Trầm cảm tuổi dậy thì: Đừng phớt lờ cảm xúc của trẻ

(DS&PL) -

Những biểu hiện đáng lưu tâm có thể bị cha mẹ bỏ qua, cho rằng trẻ chỉ đang 'cố gắng chuyện bé xé ra to' để đạt được các quyền lợi mong muốn.

Theo chuyên gia tâm lý, tình trạng trẻ vị thành niên gặp vấn đề tâm lý, rối loạn lo âu, trầm cảm và có ý nghĩ tiêu cực đang trở nên đáng báo động. Nhiều trường hợp trong đó không thể cứu vãn, lựa chọn cái chết là con đường giải thoát duy nhất. Đáng tiếc là trước đó, trẻ đã có những dấu hiệu của trầm cảm nhưng gia đình không nhận ra hoặc không lường trước được hậu quả.

Trao đổi với PV Tạp chí Đời sống & Pháp luật, cô Trần Thu Hương - Phó khoa Tâm lý Giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: "Những biểu hiện trầm cảm ở trẻ lại thường bị hiểu làm là sự chống đối, sự khó chịu, sự lười biếng và sự nổi loạn ở độ tuổi dậy thì. Bởi vậy, người lớn đôi khi thường bỏ qua những dấu hiệu đó, không có sự đề phòng, dẫn đến trẻ có nhiều nguy cơ hơn nữa. Khi các em quá bế tắc, cảm thấy không thể giải thích với ai và không ai hiểu mình, chúng sẽ sử dụng sự sống còn của mình như là phương tiện để khẳng định mình".

Ảnh minh họa.

Những dấu hiệu nhận biết trẻ đang gặp vấn đề bất ổn về tâm lý

Cô Trần Thu Hương chỉ ra những dấu hiệu bất ổn ở trẻ vị thành niên mà bố mẹ cần nắm được. Nếu xem xét các vấn đề trầm cảm giống như ở người lớn, sẽ có những dấu hiệu như: cảm xúc trầm buồn triền miên, sự rút vui về mặt xã hội, thay đổi về thói quen sinh hoạt, luôn thấy mất năng lượng, phàn nàn về cơ thể, suy nghĩ về cái chết.

Tuy nhiên, sẽ có sự khác biệt về căn bệnh trầm cảm ở độ tuổi vị thành niên. Các em rất dễ bị kích thích, không kiểm soát được về mặt cảm xúc. Từ đó mà chúng rất hay bộc phát tự tức giận, cáu kỉnh.

Bên cạnh đó, chúng dần xa cách các mối quan hệ vốn rất thân thiết, tự nhốt mình lại trong không gian riêng, không còn hứng thú với các hoạt động vui chơi giải trí.

Không chỉ vậy, trẻ sẽ trở nên biếng ăn hơn, không còn chú ý đến vẻ bề ngoài; cộng thêm chứng đau bụng, đau đầu, hay khóc lóc liên tục, luôn có cảm giác tội lỗi, cho rằng mình là người vô dụng. Đáng chú ý, các em "tăng nhạy cảm" với sự từ chối của người lớn.

Điều đáng lo ngại là đôi khi, những biểu hiện này của trẻ lại bị cha mẹ bỏ qua, cho rằng trẻ chỉ đang 'cố gắng chuyện bé xé ra to' để đạt được các quyền lợi mong muốn.

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia Lê Thị Túy cũng chỉ ra những dấu hiệu bất ổn ở trẻ vị thành niên mà bố mẹ cần nắm được: "Các em có biểu hiệu trầm cảm, sống kín đáo hơn, nói lời từ biệt mọi người... Nhiều trẻ 'giả tạo' sẽ cố tỏ ra mình bình thường trong giao tiếp, nhưng đằng sau lại chia sẻ trên mạng xã hội những thông tin tiêu cực, ghi nhật ký, thường xuyên đi một mình, tự nhiên dọn dẹp phòng ốc sạch sẽ, hay làm các hành động như để trả ơn cha mẹ...".

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm tuổi dậy thì

Theo cô Hương, việc trẻ bị trầm cảm ở trẻ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Về nguyên nhân sinh học, vị chuyên gia lý giải rằng cách vận hành chức năng não bộ ở trẻ có dấu hiệu bất thường. Sự tổn thương ở não có thể làm thay đổi đặc điểm về mặt tính khí, nhân cách của con người.

Liên quan đến nguyên sang chấn tâm lý, co Trần Thu Hương cho biết: "Trẻ có thể bị bạo lực, bạo hành, có xung đột với gia đình hay đón nhận sự mất mát từ sớm.... Về góc độ sang chấn tâm lý đôi khi rất khó đo lường được hậu quả. Ví dụ, khi cha mẹ mắng con, họ nghĩ rằng đang làm điều tốt cho chúng nhưng lại không ngờ gây ra sự sang chấn với các con, khiến trẻ tích tụ và dần đi đến sự suy giảm về mặt cảm xúc, tư duy, từ đó dẫn đến các căn bệnh trầm cảm".

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh sự góp mặt của các yếu tố môi trường: "Đại dịch COVID-19 và hệ quả của nó cũng là nguyên nhân gây ra sự căng thẳng ở trẻ dẫn đến sự bất ổn tâm lý".

Bên cạnh đó, cô Trần Thu Hương không loại trừ nguyên nhân trẻ di truyền từ cha mẹ.

Ảnh minh họa.

Đừng áp lực con trẻ

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy nhấn mạnh, cha mẹ không nên đặt kỳ vọng quá lớn vào thành tích học tập của trẻ để tránh gây áp lực cho trẻ. Quan trọng hơn, phụ huynh cũng cần động viên, chia sẻ và sắp xếp việc học tập vui chơi một cách hợp lý, khoa học để trẻ có điều kiện phát triển toàn diện cả thể lực, trí tuệ và tinh thần.

Sau cùng, vị chuyên gia đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh nên nhạy bén hơn với sự chuyển đổi của xã hội. Thế hệ trẻ ngày nay có lý tưởng khác biệt với thế hệ của phụ huynh. Cha mẹ nên có cái nhìn thoáng hơn, chắt lọc những nguyện vọng thích hợp và cho phép con thực hiện trong mức độ giới hạn.

"Tấm bằng đại học, những cuộc thi lớn nhỏ... chỉ là một trong những hoạt động của giáo dục chứ không phải con đường duy nhất để đạt được vinh quang. Bởi vậy, cha mẹ cần có sự đổi mới trong cách nhìn để hạn chế tối đa những nguy cơ đẩy trẻ vào trạng thái khủng hoảng tâm lý", chuyên gia Lê Thị Túy cho biết.

Sự can thiệp của các nhà chuyên môn 

Chuyên gia tâm lý Trần Thu Hương khẳng định, khi phát hiện ra con có vấn đề về sức khỏe tinh thần, phụ huynh cần liên hệ với các chuyên gia tâm lý chứ không nên tự mình hành động: "Đây là câu chuyện về chuyên môn, cha mẹ thì không rõ về chuyên môn. Sau khi phát hiện những dấu hiệu bất ổn ở con trẻ, cha mẹ nên nhanh chóng đưa con đến gặp các nhà chuyên môn. Điều này là vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu hành vi tự hại mình ở trẻ trầm cảm. Bên cạnh đó, cha mẹ cần lắng nghe, tin tưởng con và đồng hành cùng chúng giải quyết những khó khăn".

Về phía nhà trường, cô Hương cho rằng các đơn vị có thể làm công tác phòng ngừa và dự bị tâm lý cho học sinh. Nhà trường sẽ cần có biện pháp sàng lọc sớm những trường hợp có dấu hiệu bất thường và liên hệ với phụ huynh nhằm nhanh chóng giải quyết. Bên cạnh đó, nhà trường cần liên hệ với mạng lưới các nhà chuyên môn để giúp đỡ các em giảm hành vi nguy cơ.

Linh Chi

Tin nổi bật