Với trạm thu phí BOT Cai Lậy, dường như có một lợi ích nào khác đang đặt trên lợi ích của nhân dân nên mới gây những bức xúc.
Trạm thu phí Cai Lậy nằm trên con đường huyết mạch nối TP.HCM và các tỉnh miền Tây. Nhìn từ trên cao, trạm thu phí BOT Cai Lậy như cái đó đơm cá, mọi phương tiện đi qua đều phải chui đầu vào cái đó này. Ảnh: Tùng Tin. |
Theo khảo sát, tuyến đường tránh thị xã Cai Lậy có chiều dài hơn 12 km, đường tương đối hẹp và chỉ có 2 làn xe, không có đèn đường và hệ thống chiếu sáng.
Tuyến tránh này đang được xem là tuyến đường ngắn nhất, nhỏ nhất nhưng lại thu phí cao nhất ở Việt Nam. (Từ 35.000 đến 180.000đ tùy loại xe, ngày 16/7 Bộ GTVT đã thống nhất điều chỉnh giảm xuống còn 25.000 đồng đến 150.000 đồng/lượt xe).
Trạm thu phí BOT Cai Lậy đặt trên quốc lộ 1 khiến tài xế, người dân bức xúc. Đồ họa: Minh Trí. |
Tuy nhiên, những bức xúc của các chủ phương tiện khi lưu thông qua đây không chỉ ở mức phí mà còn ở vị trí của trạm. Trạm được đặt ở vị trí thắt cổ chai giữa QL1 và tuyến tránh nên dù có sử dụng tuyến tránh- tuyến đường được BOT hay không thì chủ xe vẫn bị thu phí.
Lí do viện dẫn cho vị trí trạm thu phí bị cho là đặt sai chỗ là chủ đầu tư đã BOT luôn hơn 26 km QL1 khi nâng cấp đường với số tiền trên 300 tỉ đồng.
Một chiếc ô tô nhỏ chuẩn bị băng ngang đường trong khi một chiếc xe container đang phóng với tốc độ cao trên tuyến đường tránh thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang - Ảnh: Mậu Trường |
Ông Đỗ Trần Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh Tiền Giang cho rằng, việc không minh bạch ở đây chính là phần phụ, tức là “tráng men” một chút mặt đường QL1, kinh phí hơn 300 tỷ mà thu phí như thế, đó mới chỉ là lợi ích của một nhóm, không vì người dân.
“Việc tính toán ra chi phí là chuyện rất đơn giản mà những người trong ngành giao thông làm được ngay. Tôi đề nghị Chính phủ phải vào cuộc làm cho rõ, tránh những bức xúc của người dân như những ngày qua”, ông Liêm nói.
Sự hoài nghi đằng sau việc đặt trạm thu phí ở QL1A này còn là chuyện số thu “khủng”. Theo tính toán, với lưu lượng trung bình hơn 50.000 lượt ô tô các loại lưu thông trên QL1 qua địa phận Tiền Giang mỗi ngày đêm, nếu lấy mức phí thấp nhất là 35.000 đồng/lượt (ô tô dưới 12 chỗ ngồi) thì mỗi ngày trạm thu phí sẽ thu được ít nhất là 1,75 tỉ đồng. Với thời gian được phép thu phí là 6 năm 4 tháng thì chủ đầu tư sẽ thu được ít nhất hơn 4.000 tỉ đồng.
Ông Huỳnh Văn Nguyện, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang. |
Theo ông Huỳnh Văn Nguyện, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, với số tiền thu được cao như vậy, nhưng tỉnh Tiền Giang có thu được bao nhiêu, không ai biết. Chỉ biết hậu quả tỉnh này phải gánh chịu.
“Về tính toán chi phí thì chúng tôi không tham gia vì đây là dự án của Trung ương và chủ đầu tư cũng do Bộ chỉ định, cho nên chúng tôi ở địa phương cũng chỉ được tham gia vào giải phóng mặt bằng, còn lại thì không liên quan gì…”, ông Nguyện cho biết.
Trong câu chuyện “lùm xùm”của BOT Cai Lậy, ông Trần Kim Trát hiện là Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Tiền Giang, trước đây là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - một cơ quan đã từng được Bộ GTVT tham vấn ý kiến về vị trí đặt trạm BOT Cai Lậy thừa nhận: “Hệ quả thì mình không biết được như bây giờ. Lúc đó mình chỉ nghĩ có một nhà đầu tư làm tuyến tránh rồi nâng cấp QL1 thì đáp ứng được nhu cầu địa phương, nên mình kí ở mặt chủ trương, còn ở trên thì kí duyệt của Bộ, của trung ương…,đâu phải mình kí rồi mình không có trách nhiệm, nhưng đến nay thì thật là đã không lường trước được…”.
Ông Trần Kim Trát - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Tiền Giang. |
Theo ông Trát, các cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang cũng không thể lường trước được những phản ứng của người dân. Bản thân ông cho biết “việc này đã trở thành điều trăn trở”.
“Mấy hôm nay tôi cũng trăn trở nhiều, người dân họ nói cũng không sai. Khi một công trình trên địa bàn tỉnh mà mình không tham mưu là mình không làm hết trách nhiệm. Ở đây không thể đổ hết trách nhiệm lên trung ương. Ở đây không phải là không tham gia, không phản biện nhưng mình tham gia không tới, không hết”, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Tiền Giang, Trần Kim Trát nói.
Vì bức xúc với trạm thu phí BOT Cai Lậy nên người dân đã đổi rất nhiều tiền lẻ để trả phí khi đi qua đây. Ảnh zing.vn |
Rõ ràng là chủ đầu tư không thể tự đưa ra mức phí cũng như thời gian thu phí khi chưa thông qua các cơ quan chức năng. Phải chăng nhà quản lí đang “chống lưng” cho nhà đầu tư, nên chính những người đáng ra được thụ hưởng lợi ích từ BOT lại mâu thuẫn với nó?
Hôm trước, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa có nói, ông buồn vì dân chắn xe ở Cai Lậy. Nhưng thưa Bộ trưởng, dân cũng rất buồn vì “một nhóm lợi ích” đang được đặt lên trên lợi ích toàn dân.
Người dân biết, xã hội hoá nguồn vốn qua hình thức BOT là hình thức khả dĩ trong bối cảnh cần rất nhiều vốn cho xây dựng cơ bản, nhưng điều kiện kinh tế quốc gia chưa cho phép. Xã hội hoá bằng tiền của dân lại để dân buồn, dân kêu ca, dân phẫn nộ, dân phản đối thì đó đâu phải là phục vụ dân!./.
Phi Long