(ĐSPL) - Truyền thông Trung Quốc chỉ xác nhận có hai phi công tử nạn nhưng không nói rằng sự việc xảy ra trong quá trình thử nghiệm với tàu sân bay Liêu Ninh như các hãng thông tấn phương Tây AP, AFP... đưa tin.
Tân Hoa Xã ngày 28/8 đã thông báo về việc hai phi công tử nạn trong quá trình luyện tập trên chiếc tiêm kích J-15 một ngày trước. J-15 là chiến đấu cơ mà Bắc Kinh tự sản xuất dựa trên nguyên mẫu Su-33 của Nga.
|
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc phục vụ cho mục đích luyện tập và huấn luyện. |
Các hãng thông tấn nước ngoài nhận định đây là một bước thụt lùi cho tham vọng phát triển hải quân và không quân của Trung Quốc. Theo đó, tên của hai phi công tử nạn nằm trong đơn vị bay được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký quyết định tăng danh hiệu ưu tú.
Ông Tập Cận Bình khen thưởng phi đội này sau khi hoàn thành buổi tập cất cánh và hạ cánh đầu tiên trên chiếc hàng không mẫu hạm duy nhất của Trung Quốc. Do vậy, báo chí phương Tây đã nhận định "một cách chắc chắn" rằng việc Trung Quốc thử nghiệm đáp và hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh thất bại khiến hai phi công thiệt mạng.
Ngày 7/9, một số tờ báo của Trung Quốc đã làm rõ lại thông tin và nói rằng có hai phi công tử nạn nhưng không phải ở tàu Liên Ninh. Theo tờ Nhân dân Nhật báo, "hai phi công tử nạn không thuộc phi đội bay thử ở tàu Liêu Ninh".
Trung Quốc đã mua chiếc tàu sân bay duy nhất có từ thời Liên Xô của Ukraine vào năm 2000 để sử dụng cho mục tiêu huấn luyện nhằm phát triển hải quân. Mục tiêu của Trung Quốc trong tương lai gần là các máy bay J-15 có thể đáp và cất cánh an toàn trên chiếc tàu sân bay này.