Ngày 26/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin ý kiến áp dụng quy định riêng đối với việc mở cửa kinh tế.
Theo công văn của UBND TP.HCM, thành phố đánh giá cao nỗ lực xây dựng hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" mà Chính phủ đã hướng dẫn để TP.HCM trở lại trạng thái bình thường mới, tuy nhiên thành phố muốn kiến nghị Thủ tướng xem xét một số quy định riêng, bởi tính đặc thù của địa bàn trong điều kiện đang có dịch bệnh.
TP.HCM kiến nghị Thủ tướng xem xét cho phép áp dụng quy định riêng để mở cửa kinh tế. Ảnh minh họa
Cụ thể, TP.HCM mong muốn được áp dụng quy định riêng do Thủ tướng quyết định để có thể mở cửa nền kinh tế trong thời gian kiểm soát dịch bệnh.
Sau khi có cơ chế riêng, TP.HCM sẽ phối hợp với cơ quan chức năng nghiên cứu và báo cáo cụ thể với Thủ tướng về những quy định mới để có điều kiện mở cửa nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ được ưu tiên vaccine COVID-19 cùng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để sớm đạt độ bao phủ theo quy định của hướng dẫn, tạo điều kiện cho việc mở cửa nền kinh tế.
Theo hướng dẫn "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đang dự thảo và chỉnh sửa, có 3 chỉ số bắt buộc đối với các địa phương, gồm: Ít nhất 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19; 100% các trạm y tế xã, phường, thị trấn có oxy y tế và 100% các xã có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động và Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng.
Các tỉnh, thành phố có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng, bảo đảm tối thiểu 2% số giường hồi sức cấp cứu (ICU) trên tổng số ca bệnh theo dự báo tình hình dịch tại địa phương ở cấp độ 4 tại các cơ sở y tế của tỉnh, thành phố.
Đối với các chỉ số phân loại cấp độ dịch bệnh tại TP.HCM sẽ bao gồm: số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần; tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất một liều vaccine phòng COVID-19.
Mức đánh giá nguy cơ và cấp độ áp dụng gồm 4 cấp: Cấp một là nguy cơ thấp - bình thường mới, tương ứng với màu xanh; cấp 2 là nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3 là nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4 là nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với tình hình dịch bệnh tại TP.HCM hiện nay, nếu áp các chỉ số này vào để đánh giá nguy cơ dịch bệnh, TP.HCM sẽ nằm nhóm nguy cơ 3 hoặc 4. Như vậy các biện pháp được áp dụng sẽ rất hạn chế và việc mở cửa lại nền kinh tế sẽ gặp khó khăn.
Trước đó, ngày 10/9, TP.HCM đã đưa ra lộ trình mở cửa, phục hồi kinh tế theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (dự kiến từ 16/9 đến 31/10): cá nhân, lao động có “thẻ xanh COVID-19” có thể tham gia các hoạt động (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại).
Cá nhân, lao động có “thẻ vàng COVID-19”, có xét nghiệm âm tính với COVID-19 được tham gia một số lĩnh vực cụ thể.
Riêng tổ chức có 100% lao động có “thẻ xanh COVID-19” được tham gia tất cả các lĩnh vực (trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại).
Tổ chức có 100% lao động có “thẻ xanh COVID-19” tại bộ phận có tiếp xúc người ngoài, có lao động có “thẻ xanh COVID-19” hoặc “thẻ vàng COVID-19” tại các bộ phận còn lại được tham gia một số hoạt động.
Giai đoạn 2 (dự kiến từ 31/10/2021 đến 15/1/2022): TP.HCM sẽ mở rộng các hoạt động được phép cho đối tượng có “thẻ xanh COVID”, gồm: trung tâm thương mại; trung tâm tập luyện thể dục thể thao; hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời; dịch vụ ăn uống có quy mô nhỏ và đảm bảo giãn cách theo quy định (dưới 20 người).
Giai đoạn 3 (dự kiến sau 15/1/2022): TP.HCM lên kế hoạch mở cửa tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Đối với hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage, bắt buộc người tham gia phải có “thẻ xanh COVID”.
Thủy Tiên (T/h)