TP Hồ Chí Minh: Hơn 230.000 lao động được hỗ trợ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh, sau hơn nửa tháng thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116, đã có hơn 230.000 người lao động được hưởng chính sách này.
Hơn 230.000 người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 được hỗ trợ từ Qũy Bảo hiểm thất nghiệp.
Với tổng số tiền hơn 571 tỷ đồng, trong đó chi cho người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 512 tỷ đồng, còn lại là người lao động đang bảo lưu quá trình tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Ngoài ra, hiện Bảo hiểm xã hội TP cũng đã thực hiện miễn giảm đóng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 81.800 đơn vị với số tiền xấp xỉ 1.900 tỷ đồng.
Đơn vị này cho biết, để đảm bảo minh bạch, thông tin người lao động thuộc diện nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp sẽ được công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị.
Chủ tài khoản Angela Phương Trinh bị phạt 7,5 triệu đồng.
Ngày 19/10, Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà L.N.P.T (chủ tài khoản mạng xã hội "Angela Phương Trinh") về hành vi cung cấp thông tin trên mạng xã hội. Người này bị xử phạt với số tiền 7,5 triệu đồng theo điểm a khoản 1 Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Tài khoản "Angela Phương Trinh" thường xuyên chia sẻ các bài viết có nội dung địa long (giun đất) có thể chữa khỏi bệnh cho người mắc COVID-19.
Trước đó, tài khoản Facebook "Angela Phương Trinh" thường xuyên chia sẻ các bài viết có nội dung địa long (giun đất) có thể chữa khỏi bệnh cho người mắc COVID-19.
Đến đầu tháng 9, Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu chủ tài khoản Facebook Angela Phương Trinh gỡ bỏ nội dung sai sự thật, gây hiểu nhầm về khả năng phòng, điều trị bệnh của sản phẩm từ giun đất.
Bộ Y tế khẳng định chưa cấp phép lưu hành cho bất kỳ sản phẩm có thành phần địa long nào có tác dụng hỗ trợ, điều trị COVID-19. Bộ Y tế cũng chưa nhận được bất kỳ báo cáo khoa học nào chứng minh hiệu quả hỗ trợ điều trị COVID-19 của địa long.
Cảnh báo về một mùa đông đen tối khi dịch COVID-19 “nóng” trở lại.
Sau khi triển khai nhiều chiến dịch tiêm chủng, thế giới được cho là đã chuẩn bị và ứng phó tốt hơn với đại dịch, dù theo nhiều ý kiến chuyên gia, rủi ro lây nhiễm và khả năng tái bùng phát COVID-19 là không hề nhỏ.
Năng lực xét nghiệm và phòng chống dịch có phần yếu kém tại những nước nghèo đã tạo ra những "điểm mù" trong khả năng phát hiện và ngăn ngừa biến thể mới (Nguồn: Reuters)
Nhiều bước tiến lớn được ghi nhận ở những nước ngăn chặn thành công sự lây lan của các biến chủng, song kết quả chống dịch này hoàn toàn có thể bị đe dọa trong bối cảnh nhiều quốc gia nghèo khác vẫn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn nguồn lực.
Một số chuyên gia y tế cũng đang bày tỏ lo ngại về kịch bản "đại dịch kép" khi COVID-19 và bệnh cúm đồng thời bùng phát vào mùa đông năm nay. Dù tỷ lệ mắc cúm mùa ở nhiều quốc gia đã giảm đáng kể do người dân tuân thủ các quy tắc đeo khẩu trang nơi công cộng, song các chính sách nới lỏng giãn cách mới đây có thể khiến tỷ lệ này gia tăng trở lại. Người dân tại những khu vực "bình thường mới" theo đó được khuyến cáo sớm tiêm vaccine phòng ngừa cúm, bởi tiêm chủng vẫn là hình thức phòng ngừa hiệu quả nhất đối với cả dịch COVID-19 lẫn bệnh cúm.