Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

TP.HCM trả lương 120 triệu đồng/tháng để thu hút và giữ chân người tài

  • Thục Hiền
(DS&PL) -

TP.HCM ưu đãi tiền lương, tiền công đối với người đứng đầu trong tổ chức KH&CN công lập do UBND TP.HCM thành lập theo các mức lương, trong đó cao nhất 120 triệu đồng/tháng.

Tiền lương thấp, nhiều công chức, viên chức nghỉ việc 

Theo báo VietNamNet, con số 6.177 cán bộ nghỉ việc trong hơn 2 năm (1/1/2020 đến 30/6/2022) đã thực sự báo động về vấn nạn “chảy máu chất xám” từ khu vực công. 

Đáng chú ý, bên cạnh việc chảy máu chất xám, việc thu hút nhân tài, sinh viên xuất sắc tại TP.HCM cũng không mấy khả quan.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường trình bày các tờ trình của UBND TP.HCM tại kỳ họp. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng

Cụ thể, từ năm 2014, TP có chủ trương trải thảm đỏ mời nhân tài về làm việc trong các lĩnh vực trọng điểm và áp dụng 5 năm. Suốt thời gian thực hiện, đã thu hút được 19 nhà khoa học về làm việc. Tuy nhiên, từ năm 2019-2022, có 14/19 chuyên gia đều đã lựa chọn rời đi.

Hơn thế, từ năm 2018 đến nay, TP.HCM chưa có trường hợp sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được thu hút về làm việc tại các đơn vị của TP. 

Sở Nội vụ TP.HCM từng thừa nhận, việc chảy máu chất xám, chuyên gia dứt áo ra đi là do các quy định pháp luật về chế độ, chính sách tiền lương, thu nhập hiện hành của khu vực công thấp hơn nhiều so với khu vực tư nhân.

Thực tế cho thấy, chính sách đãi ngộ tiền lương, tiền công ở khu vực công của TP.HCM (nói riêng) và cả nước (nói chung) vẫn chưa thực sự thỏa đáng, chưa đáp ứng được điều kiện sống, chưa đủ sức tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức và các chuyên gia…an tâm làm việc, cống hiến. 

Trong khi đó, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực công đang đưa ra các chế độ đãi ngộ tiền lương hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực trình độ cao từ khu vực công.

Vì vậy, để giữ chân nhân tài, thu hút chuyên gia, nhà khoa học…vào khu vực công, TP.HCM phải có những bước thay đổi phù hợp với thực tiễn về chính sách tiền lương và các đãi ngộ khác.

Điều kiện để nhận lương 120 triệu đồng/tháng

Ngày 11/11, báo Giáo Dục & Thời Đại thông tin, HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc kỳ họp thứ 12 (kỳ họp chuyên đề).

HĐND TP.HCM đã thông qua tờ trình Nghị quyết quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện được hưởng ưu đãi tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Các đại biểu HĐND TPHCM thông qua chương trình kỳ họp sáng 11/11. Ảnh: Dân Trí

Đây là một trong những chính sách được cụ thể hóa từ Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Nghị quyết 98).

Người đứng đầu trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập do UBND TPHCM thành lập sẽ nhận các mức lương theo tháng, gồm mức 1: 60 triệu đồng; mức 2: 80 triệu đồng; mức 3: 100 triệu đồng; mức 4: 120 triệu đồng.

Mức lương của cấp phó người đứng đầu, lần lượt theo các mức là: 50 triệu đồng; 65 triệu đồng; 85 triệu đồng và 100 triệu đồng.

Với các trưởng phòng, ban, phòng thí nghiệm, đơn vị trực thuộc, các mức lương là: 40 triệu đồng, 50 triệu đồng, 65 triệu đồng và 80 triệu đồng.

Để được hưởng mức lương cao nhất cho người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, người hưởng ưu đãi phải có từ 12 năm kinh nghiệm trở lên trong lĩnh vực theo quy định, đồng thời đáp ứng 1 trong 4 điều kiện sau:

Người hưởng mức lương ưu đãi từng chủ trì ít nhất 4 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia hoặc 8 nhiệm vụ cấp Bộ, cấp tỉnh đã được nghiệm thu đạt trở lên.

Là tác giả chính của 8 công trình công bố trên các tạp chí khoa học trong cơ sở dữ liệu WoS.

Là tác giả của ít nhất 3 sáng chế hoặc 6 giải pháp hữu ích hoặc là tác giả của ít nhất 3 văn bằng bảo hộ về giống cây trồng; là tác giả của ít nhất 3 văn bằng bảo hộ đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn.

Hoặc từng triển khai 4 nghiên cứu phát triển, sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm.

Hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với hàng trăm tỷ đồng

Liên quan đến vấn đề này, báo Lao Động thông tin thêm, cũng tại kì họp, HĐND TP.HCM đã thông qua Nghị quyết về quy định lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí, điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP.HCM.

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM Lê Trương Hải Hiếu báo cáo thẩm tra các tờ trình. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng

Theo đó, dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo ở giai đoạn tiền ươm tạo, TP.HCM sẽ chi hỗ trợ 40 triệu đồng/dự án và thời gian hỗ trợ không quá 6 tháng/dự án. Ở giai đoạn ươm tạo, hỗ trợ 80 triệu đồng/dự án và thời gian hỗ trợ không quá 12 tháng/dự án. Ở giai đoạn tăng tốc, mức hỗ trợ 400 triệu đồng/dự án và thời gian hỗ trợ không quá 12 tháng/dự án.

Tổng dự toán bố trí cho hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2023 với 17 tỷ đồng. Tổng kinh phí triển khai chính sách này trong 5 năm tiếp theo khoảng 210 tỷ đồng.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM được đánh giá là năng động nhất trong cả nước với gần 2.000 startup (65% tập trung ở lĩnh vực Công nghệ thông tin) với hơn 43 cơ sở ươm tạo, tăng tốc, gần 200 quỹ đầu tư mạo hiểm, 500 sự kiện về đổi mới sáng tạo mỗi năm và gần 100 trường Đại học, Cao đẳng có hoạt động đổi mới sáng tạo.

Mỗi năm, TP.HCM có hơn 50 cuộc thi về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thu hút hơn 2.000 dự án đăng kí tham gia và lựa chọn được hơn 300 dự án để ươm tạo.

Thục Hiền (T/h)

Tin nổi bật