Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đảm bảo lương, thưởng cho người lao động dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn

  • Bảo An
(DS&PL) -

Tổng liên đoàn lao động Việt Nam yêu cầu đơn vị cơ sở giám sát phương án trả lương, thưởng Tết của người sử dụng lao động đối với người lao động. Đảm bảo quyền lợi thỏa đáng cho công nhân, người lao động trong dịp Tết Nguyên đán 2024.

Ngày 13/11, báo Tiền phong đưa tin, mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam yêu cầu công đoàn cơ sở chủ động tham gia với người sử dụng lao động công khai phương án trả lương, thưởng Tết trước ngày nghỉ Tết Nguyên đán ít nhất 20 ngày. Đồng thời giám sát việc thực hiện trả lương, thưởng Tết, điều kiện làm việc, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, làm thêm giờ; đảm bảo quyền lợi thỏa đáng cho công nhân, người lao động (NLĐ) tăng ca, làm thêm giờ, làm việc trong dịp Tết.

Trước mắt, Tổng LĐLĐ Việt Nam yêu cầu công đoàn các cấp nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện và có các giải pháp đảm bảo quyền lợi của công nhân, NLĐ ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, nợ lương, không có khả năng trả thưởng, chủ bỏ trốn hoặc tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản.

Phải đảm bảo quyền lợi của người lao động trong dịp Tết. Ảnh minh họa.

Báo cáo kịp thời với công đoàn cấp trên nếu doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp bị phá sản, có chủ bỏ trốn chưa trả hoặc không trả được tiền lương, tiền thưởng cho đoàn viên, người lao động trước Tết.

Ngoài ra, triển khai các biện pháp phát hiện, phòng ngừa tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể phát sinh trong dịp Tết và tham gia xử lý kịp thời, hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương.

Theo báo Chính phủ, theo Kế hoạch Tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, NLĐ nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các hoạt động hướng tới chăm lo thiết thực về vật chất và tinh thần cho đoàn viên, NLĐ; đảm bảo tất cả đoàn viên, NLĐ đều có Tết, đón Tết vui tươi, an toàn.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh cho biết, đối tượng chăm lo dịp Tết là tất cả đoàn viên, NLĐ, trong đó ưu tiên đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, bị giảm thời gian làm việc, mất việc làm; đoàn viên, NLĐ thuộc gia đình chính sách; đoàn viên, NLĐ nhiều năm chưa có điều kiện về quê đón Tết.

Yêu cầu đặt ra là việc tổ chức đón Tết Nguyên đán 2024 đa dạng, linh hoạt các hình thức chăm lo, tập trung hướng về cơ sở, quan tâm chăm lo đoàn viên, NLĐ làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; đoàn viên, NLĐ sinh sống và làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những vùng kinh tế, xã hội khó khăn; tại các doanh nghiệp gặp khó khăn do suy thoái kinh tế, bị cắt giảm đơn hàng, thu hẹp quy mô sản xuất, tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản… dẫn đến nhiều đoàn viên, NLĐ bị giảm thời gian làm việc, mất việc làm.

Với phương châm "Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết", Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 có chủ đề "Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ".

Theo kế hoạch, Chương trình "Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ" sẽ được tập trung tại cấp cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở. Những nơi không tổ chức Chương trình "Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ" tập trung, căn cứ điều kiện thực tế tổ chức các hoạt động phù hợp để đoàn viên, NLĐ đón Tết, đảm bảo mọi đoàn viên, NLĐ được quan tâm, chăm lo của tổ chức Công đoàn.

Chương trình "Chợ Tết Công đoàn năm 2024" cũng sẽ được Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tiếp và qua sàn thương mại điện tử nhằm cung cấp các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, phục vụ nhu cầu ngày Tết của đoàn viên, NLĐ với giá ưu đãi, đảm bảo chất lượng.

Tổng LĐLĐ tổ chức Chương trình "Chợ Tết Công đoàn năm 2024" tại 3 tỉnh, thành phố nhằm cung cấp các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, chất lượng với giá ưu đãi, tặng phiếu mua hàng, tặng sản phẩm thiết yếu với giá "0 đồng", tổ chức các hoạt động vui Xuân, đón Tết, tư vấn, tặng quà, khám, cấp thuốc miễn phí cho đoàn viên, NLĐ; tổ chức cầu truyền hình trực tuyến kết nối các địa phương được lựa chọn tổ chức Chương trình "Chợ Tết Công đoàn năm 2024"...

Bên cạnh đó, các hoạt động thăm hỏi đoàn viên, người lao động cũng diễn ra trên cả nước. LĐLĐ các địa phương tổ chức phương tiện đưa, đón miễn phí hoặc hỗ trợ vé tàu, xe, máy bay… cho đoàn viên, NLĐ về quê đón Tết và quay lại nơi làm việc, đảm bảo an toàn, thuận lợi, chu đáo.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng lưu ý, công đoàn các cấp chủ động tham gia với các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình, kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động thực hiện việc trả lương, trả thưởng cho đoàn viên, NLĐ vào dịp Tết; kịp thời phát hiện và có các giải pháp đảm bảo quyền lợi của đoàn viên, NLĐ ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, nợ lương, không có khả năng trả thưởng, chủ bỏ trốn hoặc tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản.

Để đảm bảo quyền lợi thỏa đáng, công đoàn cần tăng cường các hoạt động đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động về phương án, kế hoạch sản xuất, trả lương, trả thưởng Tết; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, NLĐ trong dịp Tết. Triển khai các biện pháp phát hiện, phòng ngừa tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể phát sinh trong dịp Tết và tham gia xử lý kịp thời, hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương.

Theo chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các công đoàn cơ sở căn cứ vào nguồn lực hiện có, tự quyết định mức chi chăm lo cho đoàn viên, người lao động theo quy định; tại các cấp trên công đoàn cơ sở sử dụng kinh phí dự phòng và sử dụng quỹ hoạt động thường xuyên hiện có để thực hiện chăm lo cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; mức chăm lo là 500.000 đồng/người, chi bằng tiền mặt. Đối với đơn vị có nguồn xã hội hóa có thể chủ động chi chăm lo đoàn viên, người lao động nhiều hơn.

Bảo An (T/h)

Tin nổi bật