Công dân và Khuyến học đưa tin, theo kế hoạch tuyển sinh của Sở GD&ĐT TP.HCM, từ ngày 11/7, các trường THPT công lập sẽ bắt đầu nhận hồ sơ nhập học lớp 10 theo danh sách học sinh trúng tuyển.
Thí sinh lưu ý nộp hồ sơ nhập học từ ngày 11/7 đến 17h ngày 1/8 theo đúng quy định. Hồ sơ nhập học bao gồm:
1. Phiếu đăng ký xét tốt nghiệp THCS năm 2023 và thi tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2023 - 2024
2. Phiếu báo điểm tuyển sinh 10 có điểm thi và 3 nguyện vọng (áp dụng cho học sinh trúng tuyển vào các trường THPT công lập)
3. Học bạ cấp THCS (bản chính)
4. Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời do các cơ sở giáo dục cấp và nộp bản chính văn bằng khi được phòng GD&ĐT cấp phát
5. Giấy khai sinh được kiểm tra từ hồ sơ đăng ký dự thi vào lớp 10
6. Giấy xác nhận được hưởng chính sách ưu tiên (nếu có) do cơ quan có thẩm quyền cấp, theo Thanh niên.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, sẽ không giải quyết trường hợp thí sinh thay đổi nguyện vọng sau khi đã công bố kết quả tuyển sinh. Cùng với đó, Sở GD&ĐT TP.HCM cũng yêu cầu các trường THPT công lập không nhận đơn cũng như không hướng dẫn phụ huynh, học sinh xin đổi nguyện vọng.
TP.HCM sẽ không hạ điểm chuẩn và không tuyển bổ sung học sinh vào lớp 10. Ảnh: Công dân và Khuyến học.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, tuyển sinh lớp 10 năm học 2023 - 2024 đạt 99% so với số hơn 77.000 chỉ tiêu cần tuyển ở 108 trường THPT công lập.
Với số chỉ tiêu còn thiếu, TP.HCM sẽ không tuyển bổ sung, không hạ điểm chuẩn, để đảm bảo tốt công tác phân luồng học sinh, đảm bảo chất lượng giáo dục.
Ông Quốc cho biết điểm chuẩn năm nay có sự phân hoá rất rõ giữa trường tốp đầu, tốp giữa và tốp cuối. Điều này cho thấy đề thi tuyển sinh vào lớp 10 ngày càng tiệm cận, bám sát với quá trình học của các em, đảm bảo yếu tố phân hoá. Đặc biệt, đề thi ngày càng đổi mới và phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Các trường có mức điểm chuẩn thấp, đặc biệt 16 trường có điểm chuẩn từ 12 điểm trở xuống hầu hết ở khu vực vùng ven, ngoại thành như huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi.
Chất lượng giáo dục ở những trường này chưa cao do nhiều yếu tố như điều kiện cơ sở vật chất, sự quan tâm đầu tư của phụ huynh cũng như chất lượng đội ngũ. Điều này đòi hỏi ngành GD&ĐT tiếp tục phải có những giải pháp để nâng chất lượng ở các khu vực này.
“Năm trước, Sở GD&ĐT đã có chỉ đạo, tổ chức những hội thảo để chia sẻ giải pháp tháo gỡ, nâng chất giáo dục ở khu vực. Năm nay, Sở sẽ tiếp tục rà soát, làm việc và có những chỉ đạo để rút dần khoảng cách giáo dục giữa các khu vực trong TP”, ông Quốc nhấn mạnh, theo Pháp luật TP.HCM.
Phương Linh (T/h)