Tại buổi họp báo về tình hình dịch bệnh và phục hồi kinh tế tổ chức ngày 28/9, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM đã trả lời báo chí về thực trạng một số nơi giáo viên cấp tiểu học giao bài tập về nhà cho học sinh.
Bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM. Ảnh: Tiền Phong
Theo bà Mỵ Châu, chủ trương của chương trình giáo dục phổ thông 2006 và chương trình giáo dục phổ thông 2018 là không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh tiểu học, vì học sinh tiểu học đã ở trường 2 buổi mỗi ngày.
Giáo viên phải cho học sinh học, hoàn tất bài tập, thực hành trên lớp, không giao bài tập về nhà. Thời gian ở nhà, khuyến khích học sinh tự giác trong việc tự ôn tập lại bài cũ hoặc chuẩn bị trước cho bài mới nếu thấy cần.
“Trong các văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học, hướng dẫn chuyên môn, hướng dẫn đầu năm cũng như hướng dẫn kiểm tra định kỳ, Sở GD&ĐT tạo đều có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và nhấn mạnh việc giáo viên phải cho học sinh hoàn tất bài tập trên lớp, không giao bài về nhà”, báo Tiền Phong dẫn lời bà Châu.
Bà Châu cho biết thêm, sở sẽ có những đoàn kiểm tra để ghi nhận, chấn chỉnh kịp thời tình trạng này, nếu có.
Theo Phó Giám đốc GD&ĐT TP.HCM, các giải pháp hướng đến giảm việc giao bài tập về nhà cho học sinh mà ngành giáo dục hiện nay đang áp dụng là tăng cường việc học tập trong nhóm, đổi mới quan hệ giáo viên - học sinh theo hướng cộng tác; phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của người học, hình thành và phát triển năng lực tự học trên nguyên tắc “Học sinh tự mình hoàn thành nhiệm vụ nhận thức (tự chiếm lĩnh kiến thức) với sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên”.
Các yêu cầu liên quan khi đặt ra, giáo viên cần cân đối mức độ “vừa sức” với học sinh, có yêu cầu “gắng sức” và có kiểm soát “quá tải”; phương pháp dạy học gắn chặt với các hình thức tổ chức dạy học. Tùy theo mục tiêu, nội dung, đối tượng và điều kiện cụ thể mà có những hình thức tổ chức thích hợp như: học cá nhân, học nhóm; học trong lớp, học ở ngoài lớp, hướng dẫn thuyết trình. Giáo viên sẽ là người xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá không gây quá tải cho học sinh.
Theo báo VnExpress, hiện nay tình trạng giao bài tập về nhà cho học sinh thông qua các nhóm chat phụ huynh vẫn còn phổ biến. Nhiều phụ huynh cho biết con bị quá tải vì lịch học ngày 2 buổi ở trường dày đặc, đến tối phải làm bài tập về nhà.
Hồi đầu năm, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM, cũng yêu cầu các trường tiểu học chấn chỉnh, không để giáo viên giao bài tập về nhà, bài tập Tết cho học sinh.
Được biết, không chỉ riêng TP.HCM, một số tỉnh, thành phố khác cũng tồn tại tình trạng giáo viên tiểu học giao bài tập về nhà, tạo thêm gánh nặng và áp lực cho học sinh.
Báo Thanh niên dẫn lời một phụ huynh ở Bắc Ninh bức xúc gửi băn khoăn, bức xúc tới Sở GD&ĐT tỉnh này: "Con tôi đã học 2 buổi/ngày mà ngày nào cô giáo cũng giao rất nhiều bài tập về nhà. Chúng tôi là công nhân đi làm, hôm nào cũng tối muộn mới về, 9 giờ tối cho con học thì có hôm 11h đêm không xong…".
"Nỗi khổ của các bậc phụ huynh khi có con học lớp 1. Ở lớp viết rồi lại giao một đống bài về nhà viết lại, các con học từ 7h đến 10 h tối không xong, đi ngủ muộn sáng mai lại ngáp ngắn ngáp dài dậy sớm đi học. Được ngày thứ Bảy, Chủ nhật cô giáo sợ học sinh rảnh quá lại giao nhiều bài hơn để học", một người khác bình luận.
Tại Chỉ thị 5105/CT-BGDĐT ngày 3/11/2014 về chấn chỉnh tình trạng dạy, học thêm đối với giáo dục tiểu học do Bộ GD&ĐT ban hành, có quy định: "Đối với các trường và lớp dạy học 2 buổi/ngày phải hướng dẫn học sinh hoàn thành nội dung học tại lớp; nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh; khuyến khích tổ chức cho học sinh để sách vở, đồ dùng học tập tại lớp. Đối với các trường và lớp dạy học 1 buổi/ngày, chỉ giao bài tập về nhà tối đa bằng số lượng bài tập của học sinh học 2 buổi/ngày. |
Vân Anh (T/h)