Theo đó, Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu các trường tuyệt đối không tạo ra áp lực kiểm tra định kỳ với học sinh, chỉ xem như một hoạt động đánh giá định kỳ, thông thường hàng ngày dành cho các em.
Việc kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I nhằm đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh, giúp học sinh phát huy nhiều khả năng, năng lực đảm bảo kịp thời, công bằng và khách quan.
Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu việc tổ chức ôn tập phụ đạo cho học sinh, Trường tiểu học cần xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh và có kế hoạch phụ đạo riêng cho học sinh tiếp thu kiến thức còn chậm và gặp khó khăn trong học tập, thông báo lịch kiểm tra, phối hợp cùng gia đình nhằm chuẩn bị các điều kiện học tập thật tốt cho học sinh.
Hình minh họa.
Các trường tuyệt đối không chạy theo thành tích để đối phó, gây áp lực, tạo không khí căng thẳng, nặng nề cho giáo viên, học sinh và gia đình.
Đặc biệt, việc tổ chức ôn tập được thực hiện ngay trên lớp học, không giao bài tập về nhà đối với lớp học 2 buổi/ngày; không soạn đề cương bài mẫu bắt buộc học sinh làm, không tổ chức học thuộc lòng bài mẫu, giáo viên cần hướng dẫn học sinh cách tự học, ôn tập.
Riêng đối với lớp 1, 2, 3 (đang thực hiện theo Chương trình 2018) thì đề kiểm tra phải phù hợp yêu cầu cần đạt của chương trình đối với từng khối lớp, từng mạch kiến thức, kỹ năng và cách triển khai các mạch này trong sách giáo khoa.
Sở GD&ĐT TP.HCM cũng yêu cầu các trường sử dụng các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo 3 mức.
Mức 1 là nhận biết, nhắc lại hoặc mô tả nội dung đã học và áp dụng trực tiếp để giải quyết một số tình huống, vấn đề quen thuộc trong học tập.
Mức 2 là kết nối, sắp xếp được một số nội dung đã học để giải quyết vấn đề có nội dung tương tự.
Mức 3 là vận dụng các nội dung đã học để giải quyết một số vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập và cuộc sống.
Việc kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học được đổi mới kể từ khi chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018) được áp dụng với lớp 1 cách đây hai năm.
Hiện, việc đánh giá theo Thông tư 27 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điểm mới là không còn khái niệm cũng như phân chia riêng biệt đánh giá học lực, hạnh kiểm mà đánh giá tổng hợp chung về hình thành, phát triển phẩm chất năng lực, nhân cách toàn diện của học sinh.
Việt Hương (T/h)