Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters |
Sputnik đưa tin, ông Donald Trump ngày 16/3 đã viết trên trang Twitter cá nhân rằng: “Google đang giúp đỡ Trung Quốc và quân đội nước này mà không phải Mỹ. Thật kinh khủng”.
Trước đó, Tướng Thủy quân lục chiến Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân cũng phát biểu tại phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Thượng viện rằng, quân đội Trung Quốc đang hưởng lợi từ những hoạt động mà Google đang thực hiện ở Trung Quốc, nơi mà gã khổng lồ công nghệ này từ lâu đã tìm kiếm sự hiện diện lớn hơn.
"Công việc mà Google đang thực hiện ở Trung Quốc đang gián tiếp làm lợi cho quân đội Trung Quốc", ông Dunford nhấn mạnh.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan lý giải rằng có một mối liên hệ trực tiếp giữa các hoạt động thương mại và phát triển quân sự tại Trung Quốc. Ông cũng cho biết, việc các thực thể Trung Quốc đánh cắp công nghệ Mỹ một cách có hệ thống giúp Bắc Kinh đạt được những tiến bộ về mặt kỹ thuật trong lĩnh vực quốc phòng.
Sau đó, theo NBC News, Google ngày 17/3 đã trực tiếp lên tiếng phản pháo cáo buộc của ông Trump: “Chúng tôi không hợp tác với quân đội Trung Quốc. Chúng tôi làm việc với chính phủ Mỹ, bao gồm Bộ Quốc phòng Mỹ trong nhiều lĩnh vực như an ninh mạng, tuyển dụng và chăm sóc sức khỏe”.
Google rút khỏi cuộc đua giành hợp đồng 10 tỷ USD từ Bộ Quốc phòng Mỹ. Ảnh: Getty |
Năm 2018, Google cho biết họ không còn tranh giành hợp đồng điện toán đám mây trị giá 10 tỉ USD với Bộ Quốc phòng Mỹ, một phần vì những chỉ dẫn đạo đức mới của công ty không phù hợp với dự án.
Vào tháng 6/2018, Google nói họ sẽ không gia hạn hợp đồng để giúp quân đội Mỹ phân tích hình ảnh máy bay không người lái khi nó hết hạn, trong khi công ty tìm cách hóa giải căng thẳng nội bộ liên quan tới thỏa thuận này.
Đồng thời, Google cho biết họ “không có kế hoạch nào” để khởi động lại một công cụ tìm kiếm ở Trung Quốc, dù họ đang tiếp tục nghiên cứu ý tưởng này.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc phải đối mặt với ngày càng nhiều cáo buộc liên quan tới đánh cắp sở hữu trí tuệ và gián điệp kinh tế, với các doanh nghiệp nước này bị cho sử dụng trái phép các bí mật thương mại từ đối tác nước ngoài để tích hợp công nghệ vào các sản phẩm của mình, đồng thời sản xuất hàng hóa nhái của các thương hiệu nổi tiếng thế giới…
Những vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ đặc biệt đã khiến quan hệ Bắc Kinh và Washington gia tăng căng thẳng. Đây cũng là một trong những lý do châm ngòi cho cuộc chiến thương mại vẫn chưa có hồi kết giữa Mỹ và Trung Quốc.
Xung đột song phương bắt đầu leo thang vào tháng 6/2018 sau khi chính quyền Trump tuyên bố áp mức thuế 25% cho 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Kể từ đó, Mỹ và Trung Quốc liên tục có những màn trả đũa thuế quan thương mại nhắm tới hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)