
Tổng thống Vladimir Putin cho biết cuộc xung đột ở Ukraine đang đi đến bước ngoặt, đồng thời khẳng định "trên toàn bộ chiến tuyến, quân đội Nga đang nắm giữ động lực chiến lược".
"Mới đây tôi đã nói rằng chúng ta sẽ tiến công. Có căn cứ để tin rằng chúng ta sẽ đánh bại họ", ông Putin phát biểu trong cuộc họp với các quân nhân của tàu ngầm hạt nhân Arkhangelsk lớp Yasen-M (Dự án 885M) hôm 27/3. Ông cũng bày tỏ sự lạc quan thận trọng đối với Mỹ, nhưng ông cũng nói rõ rằng châu Âu không còn được coi là đối tác đáng tin cậy của Nga.
"Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với châu Âu. Nhưng họ cư xử không nhất quán và tiếp tục cố gắng kéo dài thời gian của chúng tôi. Không sao cả, chúng tôi đã quen với điều đó. Tôi hy vọng chúng tôi sẽ không mắc thêm bất kỳ sai lầm nào nữa dựa trên lòng tin vào cái gọi là đối tác phương Tây", ông Putin nhấn mạnh.
Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ đánh bại lực lượng Ukraine. Ảnh: Daily Express
Tổng thống Putin cáo buộc các nhà lãnh đạo phương Tây, đặc biệt là Pháp, Đức và Anh, thao túng các nỗ lực hòa bình trước đây, đặc biệt là thỏa thuận Minsk, như một chiến thuật để kéo dài thời gian và tái vũ trang cho Ukraine.
"Ngay cả khi cuộc xung đột bước vào giai đoạn nóng vào năm 2022, chúng tôi vẫn đề xuất giải quyết mọi thứ trên bàn đàm phán. Ai cũng biết rằng phương Tây đã đến và thuyết phục giới lãnh đạo Ukraine tiếp tục kháng cự vũ trang đến cùng, về cơ bản là chiến đấu đến người Ukraine cuối cùng, với mục tiêu gây ra thất bại chiến lược cho Nga", ông Putin cho biết.
Ông Putin cáo buộc các nhà lãnh đạo phương Tây đã đánh giá thấp quyết tâm của Nga, đồng thời cảnh báo không nên coi nhẹ năng lực quân sự của Nga. Mặc dù vậy, ông vẫn khẳng định lại rằng Nga vẫn cởi mở với các cuộc đàm phán hòa bình – nhưng chỉ khi giải quyết được các nguyên nhân cốt lõi của cuộc xung đột.
"Chúng tôi ủng hộ giải quyết những vấn đề này bằng biện pháp hòa bình… Nhưng nguyên nhân gốc rễ phải được loại bỏ. Chúng ta phải đảm bảo an ninh cho nước Nga trong viễn cảnh lịch sử lâu dài", ông Putin nói.
Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẵn sàng đàm phán hòa bình, nhưng nhấn mạnh rằng một giải pháp thực sự cho cuộc xung đột đòi hỏi một giải pháp ràng buộc pháp lý và lâu dài. Moscow phản đối bất kỳ sự hiện diện nào của NATO trên đất Ukraine và yêu cầu Kiev phi quân sự hóa, phi phát xít hóa, tuân thủ lập trường trung lập và công nhận "thực tế" lãnh thổ trên thực địa.