(ĐSPL) – Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khái quát chính sách đối ngoại của Washington ngày 28/4 nhưng không đề cập đến chủ trương “xoay trục” sang châu Á.
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama |
Theo AP, chính sách xoay trục được công bố khi Mỹ rút dần binh lính khỏi Afghanistan và Iraq để tập trung vào khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Tuy nhiên, trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Obama phác thảo kế hoạch rút toàn bộ binh lính khỏi Afghanistan vào cuối năm 2016, người ta vẫn chưa thấy ông đề cập đến sự thay đổi trọng tâm nào tại khu vực này.
Ông Obama đã đưa ra một viễn cảnh rộng mở hơn rằng Mỹ nên đóng vai trò trong các vấn đề quốc tế, luôn dẫn đầu trên trường quốc tế và tránh xa chủ nghĩa biệt lập nhưng ít lao vào những cuộc mạo hiểm quân sự.
Tuy nhiên, Tổng thống Obama khẳng định rằng mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố từng khiến Mỹ bận tâm kể từ vụ tấn công 11/9 vẫn luôn còn đó. Ông nói rằng khi giảm sự hiện diện của họ ở Afghanistan, Mỹ có thể làm được nhiều hơn để giải quyết các mối đe dọa đang nổi lên ở Trung Đông và Bắc Phi.
Trước đó, trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại then chốt tại Australia hồi tháng 11/2011, Obama từng tuyên bố rằng Mỹ "toàn tâm can dự" vào khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong thế kỷ 21.
Mặc dù mục đích của chính quyền Tổng thống Obama chú ý nhiều hơn đến Châu Á, nhưng chính sách "tái cân bằng" của Mỹ ở châu lục này đang vấp phải nhiều cản trở. Cuộc nội chiến Syria, bạo lực leo thang ở Iraq, các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran, tiến trình hòa bình Israel–Palestine và xung đột ở Ukraina đều khiến cho Washington phải bận tâm.
Không thể nói rằng Châu Á hoàn toàn bị “phớt lờ” trong bài phát biểu hôm Thứ Tư (28/5) của Tổng thống Obama tại buổi lễ tốt nghiệp ở Học viện Quân sự West Point.
“Thái độ gây hấn trong khu vực ở miền nam Ukraina, Biển Đông hay bất cứ nơi nào trên thế giới sẽ tác động đến đồng minh của chúng tôi và có thể khiến chúng tôi phải sử dụng quân đội”, Obama phát biểu.
Mặc dù nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng liên minh trước khi Mỹ can thiệp các hoạt động ở nước ngoài, Tổng thống Obama bày tỏ sự sẵn sàng sử dụng lực lượng quân đội nếu nếu cần thiết trong trường hợp an ninh của các đồng minh của Mỹ gặp nguy hiểm. Những bình luận này có thể trấn an các nước đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Philippines.
Obama cũng nhắc lại sự ủng hộ của Washington đối với các quốc gia Đông Nam Á khi họ cố gắng thương lượng một bộ quy tắc ứng xử với Trung Quốc nhằm giúp giải quyết các tranh chấp trong Biển Đông.
Tuy nhiên, sự ủng hộ của Mỹ đối với bộ quy tắc này kể từ năm 2010 không giúp ích nhiều. Các cuộc đàm phán đã diễn ra một cách chậm chạp và có thể trở nên khó khăn hơn khi các cuộc tranh chấp và căng thẳng ngày càng leo thang.
Tổng thống Obama cũng thừa nhận rằng Washington không thể làm gì nhiều để giải quyết vấn đề ở Biển Đông, khi Thượng viện Mỹ chưa phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển xác định quyền và trách nhiệm của mỗi quốc gia trong hoạt động khai thác các vùng biển trên thế giới.