(ĐSPL) - Theo giới phân tích, mục tiêu chủ yếu của chuyến công Châu Á lần này của Tổng thống Obama là nhằm khẳng định chiến lược “xoay trục” đang bị hoài nghi.
Sau khi bị lỡ hẹn năm ngoái, Tổng thống Mỹ Barack Obama lên đường thăm bốn nước châu Á gần một tuần lễ, từ ngày 23/4 đến ngày 29/4.
|
Chuyến công du Châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm khẳng định quyết tâm “xoay trục” và trấn an các đồng minh. |
Các điểm đến của Tổng thống Obama bao gồm hai nước Đông Bắc Á (Nhật Bản và Hàn Quốc) cùng với hai quốc gia Đông Nam Á (Malaysia và Philippines).
Hôm 18/4, khi loan báo chương trình chuyến thăm chính thức của tổng thống Mỹ lần này, Nhà Trắng đã nhấn mạnh rằng đây là cơ hội để Mỹ khẳng định quyết tâm duy trì các cam kết của mình đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, nhất là đối với các quốc gia đồng minh.
Không "ăn theo"các hội nghị quốc tế
Theo RFI, biểu tượng rõ nhất của quyết tâm này đã được Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice xác định với các nhà báo tính chất đặc biệt của chuyến công du: “Không giống như nhiều chuyến công du nước ngoài khác của Tổng thống (Obama), chuyến công du Châu Á lần này không có một hội nghị thượng đỉnh lớn nào”.
|
Hàn gắn quan hệ giữa hai nước đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản. |
Do vậy, theo bà Susan Rice, “chương trình nghị sự ở mỗi quốc gia (mà Tổng thống Obama đến thăm chính thức) đều có thể tập trung mạnh mẽ vào việc tăng cường sinh lực cho mối quan hệ song phương và thúc đẩy các yếu tố khác nhau trong chiến lược Châu Á của Mỹ”.
Sở dĩ Nhà Trắng cố gắng nhấn mạnh này là do Tổng thống Obama năm ngoái đã bỏ lỡ cơ hội đến Châu Á để thúc đẩy thêm chính sách tái cân bằng lực lượng Mỹ qua Châu Á-Thái Bình Dương do cuộc khủng hoảng ngân sách trong nước. Trong 4 nước mà Tổng thống Obama đến thăm lần này, có Malaysia và Philippines mà ông đã lỡ dịp ghé thăm năm ngoái.
Trong chuyến công du lần này, Tổng thống Obama sẽ tiến hành hiện hai chuyến thăm cấp nhà nước (Nhật Bản và Philippines). Hai sự kiện bên lề đáng chú ý là chuyến tham quan đền thờ Hồi giáo quốc gia tại Kuala Lumpur, và cuộc giao lưu với các “nhà lãnh đạo trẻ” đến từ 10 quốc gia Đông Nam Á.
Thúc đẩy chính sách “xoay trục”
Nhìn chung, giới phân tích đều thống nhất với nhau rằng chuyến công du Châu Á lần này của Tổng thống Obama là nhằm thúc đẩy chính sách “xoay trục” đã được Mỹ chính thức loan báo năm 2011.
Tuy nhiên, điều không được nói nhiều một cách công khai, chính là mục tiêu trấn an các đồng minh và đối tác trong khu vực đang hoài nghi cả về quyết tâm lẫn khả năng can dự của Mỹ.
Trả lời RFI qua thư điện tử, Giáo sư Carl Thayer - chuyên gia về Châu Á tại Học viện quốc phòng Australia - phân tích: “Mục đích chính của Tổng thống Barack Obama là để trấn an đồng minh rằng Mỹ đang dấn thân và quyết tâm ở lại trong khu vực, sát cánh bên cạnh đồng minh. Ông Obama sẽ tìm cách chứng minh rằng Trung Quốc không thể chia rẽ Mỹ và Nhật Bản. Obama sẽ khẳng định trở lại chính sách tái cân bằng lực lượng Mỹ qua khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Ông sẽ nhấn mạnh không chỉ khía cạnh quân sự trong chiến lược xoay trục mà cả các khía cạnh kinh tế bằng cách phát huy Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Một mục tiêu tiềm tàng của chuyến công du là cố gắng làm sao để Nhật Bản và Hàn Quốc hợp tác chặt chẽ hơn với nhau. Ông Obama cũng sẽ gây sức ép để Nhật Bản ít cứng nhắc hơn trong quan hệ với Trung Quốc”.
Theo Giáo sư Thayer, hai tuyên bố mà người ta có thể chờ đợi sẽ liên quan đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và việc tăng cường hợp tác quân sự với Philippines. Ông tiên đoán: “Tổng thống Obama có thể đưa ra một tuyên bố nêu rõ là hiệp định TPP sẽ sớm được ký kết. Tại Philippines, Tổng thống Obama sẽ nêu bật thỏa thuận hợp tác quân sự được tăng cường gần đây giữa Washington và Manila, theo đó lực lượng Mỹ sẽ gia tăng sự hiện diện tại Philippines trên cơ sở luân phiên”.
|
Tại Philippines, Tổng thống Obama sẽ nêu bật thỏa thuận hợp tác quân sự được tăng cường gần đây giữa Washington và Manila. |
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương được chính quyền Obama coi yếu tố cốt lõi trong chính sách “xoay trục” sang Châu Á-Thái Bình Dương, một chính sách cho đến nay vốn bị coi là chủ yếu tập trung vào khía cạnh quân sự mà lơ là khía cạnh kinh tế.
Theo chuyên gia Andrew Hammond, nguyên cố vấn đặc biệt trong chính phủ của Thủ tướng Anh Tony Blair và hiện là giảng viên tại Trường Kinh tế London (London School of Economics), mối lo ngại tại châu Á về sự thiếu quyết tâm can dự của Mỹ lại càng gia tăng trong thời gian gần đây sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Trong một bài viết được các báo USA Today (Mỹ) và South China Morning Post (Hong Kong) đăng tải, ông Andrew Hammond nhận định: “Chuyến thăm (Châu Á của Tổng thống Obama) diễn ra vào thời điểm chính sách đối ngoại của Mỹ bị phân tán do các diễn biến ở Ukraina. Nhiều nước Châu Á đang quan sát ông Obama phản ứng thế nào… để lấy đó làm chỉ dấu về khả năng Washington đối phó ra sao trước các hành vi hiếu chiến của Trung Quốc trong tương lai”.
Bên cạnh hai yếu tố thời sự nêu trên, thái độ hoài nghi của các đồng minh và đối tác Châu Á còn bắt nguồn từ việc ngân sách quốc phòng của Mỹ đã bị cắt giảm đáng kể, đe dọa việc triển khai đầy đủ thành tố quân sự của chiến lược “xoay trục”.
Ngoài ra, Quốc hội Mỹ - trong giai đoạn tiền bầu cử giữa nhiệm kỳ - lại không mặn mà với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, xương sống của thành tố kinh tế trong chính sách tái cân bằng lực lượng qua Châu Á.
Thông điệp gửi Trung Quốc: Không được dùng vũ lực
Một trong những điểm rất được giới quan sát lưu ý trong chuyến công du lần này của ông Obama là quyết định thăm Philippines và Malaysia, hai nước đang bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ tại Philippines được coi như đã rõ, với việc Washington và Manila sẽ chính thức hóa việc tăng cường trở lại quan hệ quân sự và ký kết hiệp định hợp tác mới vừa được đàm phán xong. Về vấn đề này, Giáo sư Thayer phân tích: “Tổng thống Obama sẽ nhắc lại chính sách đã có từ lâu dài rằng Mỹ không bênh vực bên nào trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng phản đối các hành động đe dọa, ép buộc và sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Ông cũng sẽ khẳng định lập trường hỗ trợ cho các nỗ lực của ASEAN trong việc đàm phán một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông với Trung Quốc”.
|
Chuyến thăm Malaysia của Tổng thống Obama là một sự kiện đặc biệt. |
Chuyến thăm Malaysia của Tổng thống Obama là một sự kiện đặc biệt, sau một thời kỳ dài hai bên có quan hệ xung khắc dưới thời cựu Thủ tướng Mahathir.
Chuyên gia Anh Andrew Hammond nhận xét: “Tại Malaysia, ông Obama sẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm nước này trong năm thập kỷ gần đây . Ông có khả năng nhận được một sự chào đón nồng nhiệt, nhất là trong bối cảnh quan hệ Kuala Lumpur-Bắc Kinh bị xấu đi sau vụ chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị mất tích”.
Đó là chưa kể đến các hành động khiêu khích công khai của Hải quân Trung Quốc đối với Malaysia, khi tàu chiến của Bắc Kinh hai lần xuống tận khu vực bãi James Shoal trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia để tuyên bố chủ quyền Trung Quốc.
Đối với Mỹ, việc củng cố thêm quan hệ với một quốc gia Hồi giáo như Malaysia là một điều rất quan trọng. Sự kiện Tổng thống Obama sẽ tham quan Đền thờ Hồi giáo quốc gia tại Kuala Lumpur là một hành động mang ý nghĩa biểu tượng cao cũng như cuộc giao lưu với các nhà “lãnh đạo trẻ” của toàn khối ASEAN sẽ diễn ra ở trường Đại học Malaya tại thủ đô Kuala Lumpur.