(ĐSPL) - Chiến lược của Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc xung đột Ukraine đẩy chính phủ mới ở Kiev và các nước phương Tây vào thế bí.
Đó là nhận định của bình luận viên Ingo Mannteufel của kênh phát thanh truyền hình “Làn sóng Đức” (Deutsche Welle).
|
Tổng thống Nga dồn Ukraine vào thế bí |
Theo bình luận viên Ingo Mannteufel, tình hình trên bán đảo Crimea đang diễn biến nguy hiểm trong những ngày gần đây. Crimea đang sôi sùng sục và ngay từ đầu, người ta đã thấy Moscow là động lực thúc đẩy diễn biến tình hình. Các tổ chức thân Nga và các nhóm vũ trang không đeo phù hiệu đã nắm quyền kiểm soát các vị trí chiến lược quan trọng trên bán đảo Crimea. Các chính trị gia thân Nga ở Crimea đã lên kế hoạch tách bán đảo Crimea khỏi Ukraine, thông qua một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 30/3 tới.
Sau đó, có những cử chỉ đe dọa từ phía Nga: diễn tập quân sự , những tuyên bố của quốc hội và một cuộc họp báo với Tổng thống Ukraine bị lật đổ Viktor Yanukovich. Quyết định cho phép triển khai chính thức của quân đội tại Ukraine là bằng chứng mới nhất về sự can thiệp của Nga.
“Một mũi tên bắn hai con chim”
Thông qua "Chiến dịch Crimea”, điện Kremlin đã dựng lên một cái bẫy vô cùng nguy hiểm đối với phương Tây và chính phủ mới ở Kiev. Điều này có thể được nhìn thấy trong chiến lược và những sự lựa chọn của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Putin đang theo đuổi hai mục tiêu. Thứ nhất, ông chủ động bảo vệ căn cứ của Hạm đội Biển Đen của Nga trước khi chính phủ mới ở Kiev có thể sửa đổi hiệp ước hiện hành. Thứ hai, Moscow bây giờ đã có một con bài mặc cả để gây áp lực lên chính phủ Ukraine.
Nếu chính phủ Ukraine mới không đồng ý với điều này, Crimea có thể trở thành một “Abkhazia mới”, một khu vực ly khai với cơ cấu quyền lực độc lập thân Moscow và duy trì ổn định thông qua sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Nga.
Chính phủ mới ở Kiev hiện đang đối mặt với quyết định khó khăn. Triển khai quân đội Ukraine trên bán đảo Crimea có thể dẫn đến một thảm họa không thể tưởng tượng. Các cuộc xung đột có thể lan sang toàn bộ miền nam và miền đông Ukraine, tình hình kinh tế tinh tế có thể bị bất ổn hơn nữa và một cuộc chiến tranh toàn diện có thể nổ ra giữa Ukraine và Nga. Và Kiev cũng khó có thể trông đợi phương Tây sẽ hỗ trợ một giải pháp quân sự.
Phương Tây“tiến, thoái lưỡng nan”
Các tuyên bố ban đầu của Mỹ và EU phản ánh thái độ phẫn nộ trước những diễn biến ở Crimea. Nhưng Tổng thống Nga Putin không hề quan tâm những gì phương Tây nói hay nghĩ về ông. Đó là chưa kể, ông Putin liên tục đề cao sự an toàn của người Nga ở Crimea, một sự an toàn mà ông tuyên bố muốn đảm bảo.
Kết quả là phương Tây lâm vào tình trạng “tiến , thoái lưỡng nan”. Phương Tây có thể trả đũa với biện pháp trừng phạt Nga như hạn chế thương mại, hạn chế đi lại, đóng cửa tài khoản, khai trừ khỏi G8…Nhưng các biện pháp trừng phạt này có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh mới với những hậu quả tiêu cực đối với nguồn cung cấp năng lượng của Châu Âu. Phương Tây cũng sẽ phải đầu tư rất lớn để giúp duy trì nhà nước mới ở Ukraine. Thật khó tưởng tượng rằng những người đóng thuế ở phương Tây lại chịu ủng hộ những giải pháp đầy tốn kém nhưng ít hiệu quả này.
Phương Tây cũng có thể “nghiến răng chịu đựng một thời gian” và âm thầm chấp nhận vai trò mới của Moscow tại Crimea, ép buộc các chính trị gia ở Kiev đàm phán với Nga. Nếu như vậy, Tổng thống Putin sẽ đạt được những gì mà phe đối lập chống Yanukovich và các chính trị gia phương Tây không muốn. Đó là để cho ông Putin có tiếng nói mạnh mẽ trong các cuộc đàm phán về tương lai kinh tế-chính trị của Ukraine.
Minh Đức (theo Deutsche Welle)