Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 26/11 (giờ địa phương) đã kêu gọi các quốc gia dự kiến sẽ tham gia cuộc họp cấp bộ trưởng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào tuần tới để đồng ý từ bỏ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19 sau khi xác định được một biến thể của virus corona mới ở Nam Phi, theo Reuters.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ áp đặt hạn chế đi lại với 8 quốc gia ở phía Nam châu Phi nhằm đối phó với biến chủng mới Omicron được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại là "đáng lo ngại", AFP đưa tin.
Tuy nhiên, cuộc họp mà Tổng thống Biden đề cập đến sau đó đã bị hoãn lại do sự xuất hiện của biến thể mới dẫn đến các hạn chế đi lại khiến nhiều người tham gia không thể đến được Geneva.
"Tin tức về biến thể mới này sẽ làm rõ hơn bao giờ hết lý do tại sao đại dịch này sẽ không kết thúc cho đến khi chúng ta tiến hành tiêm chủng toàn cầu", ông Biden nói trong một tuyên bố.
Tổng thống Mỹ nói thêm: "Tin tức này hôm nay nhắc lại tầm quan trọng của việc tiến hành từ bỏ các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ một cách nhanh chóng".
Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm trung tâm thành phố Nantucket sau bữa trưa với gia đình, ở đảo Nantucket, Massachusetts, Mỹ ngày 26/11. Ảnh: Reuters.
Chính quyền Tổng thống Biden phải đối mặt với những chỉ trích mới về việc không cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo hơn trong khi cung cấp các mũi tiêm tăng cường miễn phí cho người Mỹ, sau khi biến thể mới có tên Omicron được xác định.
Ông Biden cũng hối thúc các quốc gia giàu có tăng cường hỗ trợ vaccine ngừa COVID-19 cho những nước nghèo hơn trong cuộc chiến chống đại dịch. "Mỹ đã viện trợ vaccine nhiều hơn mọi quốc gia khác cộng lại. Đã tới lúc các quốc gia khác phải bắt kịp tốc độ và sự hào phóng của Mỹ", ông nói.
Dữ liệu của bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này cam kết đóng góp ít nhất 1,1 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó 236,1 triệu liều đã được bàn giao và 27,8 triệu liều đang được chuyển tới nơi tiếp nhận, theo AFP.
50% số vaccine Mỹ đã viện trợ được phân phối thông qua cơ chế Covax, số còn lại được chuyển trực tiếp. Pakistan là quốc gia nhận vaccine Mỹ viện trợ nhiều nhất với 25,4 triệu liều, tiếp theo là Philippines với 18,5 triệu liều và Bangladesh với 15 triệu liều.
Bích Thảo (Theo Reuters)