RT đưa tin ngày 22/12, Tổng thống Panama Jose Raul Mulino đã chính thức lên tiếng đáp trả lại những phát biểu của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump khi tuyên bố sẽ kiểm soát kênh đào Panama - một tuyến đường thủy quan trọng đóng góp hàng tỷ USD cho nền kinh tế Panama hàng năm và đóng vai trò là tuyến đường quan trọng trong thương mại toàn cầu.
Ông Mulino nhấn mạnh rằng chủ quyền và độc lập của đất nước là "không thể thương lượng" và nhấn mạnh tầm quan trọng của kênh đào như một phần của "lịch sử đấu tranh và cuộc chinh phục không thể đảo ngược".
Ông Mulino tuyên bố: “Mỗi mét vuông của Kênh đào Panama và khu vực lân cận đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục như vậy” .
Tổng thống Panama Jose Raul Mulino. Ảnh: Reuters
Các tuyên bố của Tổng thống Panama được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump phàn nàn về kênh đào Panama trên nền tảng Truth Social.
"Hải quân và các tàu thương mại của Mỹ đã bị đối xử bất công. Các khoản phí mà Panama đang áp dụng thật vô lý", ông Trump nói.
Vị tổng thống đắc cử cũng đề cập tới ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với khu vực kênh đào Panama, cho rằng đây là xu hướng đáng lo ngại đối với lợi ích của Mỹ vì các doanh nghiệp trong nước phụ thuộc rất nhiều tuyến đường này để vận chuyển hàng hóa giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
"Kênh đào được trao lại không phải vì lợi ích của bên khác mà đơn thuần là biểu tượng hợp tác giữa Mỹ và Panama. Nếu các nguyên tắc về đạo đức lẫn pháp lý của hành động hào phóng này không được tuân thủ, chúng tôi sẽ yêu cầu trả lại kênh đào Panama cho nước Mỹ một cách toàn diện, không cần thắc mắc", ông Trump nhấn mạnh.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty
Ông Mulino đã mạnh mẽ bác bỏ những tuyên bố này, khẳng định rằng giá của kênh đào được thiết lập công khai và minh bạch, có tính đến các điều kiện thị trường, cạnh tranh quốc tế, chi phí vận hành và nhu cầu bảo trì.
Vị tổng thống Panama nhấn mạnh rằng kể từ khi kênh đào được chuyển giao từ Mỹ sang Panama vào ngày 31/12/1999, theo Hiệp ước Torrijos-Carter được ký kết năm 1977, không có bất kỳ phản đối hoặc khiếu nại nào liên quan đến quyền kiểm soát của Panama.
“Những hiệp ước này cũng thiết lập tính trung lập vĩnh viễn của kênh đào, đảm bảo hoạt động mở và an toàn của nó cho tất cả các quốc gia”, ông nói, gọi đó là sự tôn vinh tuyệt vời nhất đối với những người đã chiến đấu vì chủ quyền và phẩm giá của Panama.
Ông Mulino bác bỏ bất kỳ quan niệm nào cho rằng các quốc gia khác có quyền kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp đối với kênh đào.
Kênh đào Panama dài 82 km, là tuyến đường tắt kết nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương, rút ngắn đáng kể hành trình giữa hai khu vực và cho phép tàu thuyền không phải vòng qua tuyến đường dài, nguy hiểm quanh cực nam Nam Mỹ.
Khoảng 5% lưu lượng hàng hải toàn cầu đi qua kênh đào Panama mỗi năm. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia sử dụng tuyến hàng hải này nhiều nhất. Ban quản lý kênh đào Panama hồi tháng 10 thông báo doanh thu năm tài chính 2024 đạt mức kỷ lục gần 5 tỷ USD.