(ĐSPL) – Hôm 28/11, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chỉ trích những lời đe dọa liên quan đến việc Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) cáo buộc ông, vì thực hiện chiến dịch trấn áp ma túy đẫm máu.
TTXVN dẫn tin Reuters cho biết, trong một bài phát biểu, ông Duterte nói: "Các người sợ tôi đến nỗi các người sẽ bỏ tù tôi? Tòa án Hình sự Quốc tế? Thật nhảm nhí".
Ngoài ra, Tổng thống Durterte cũng gọi các luật sư của châu Âu là "ngốc nghếch"... Ông cũng chỉ trích Mỹ về điều mà ông gọi là lời đe dọa đạo đức giả nhằm xét xử ông ở ICC, tổ chức mà bản thân Washington không phải là bên ký kết. Tuy nhiên, ông không nói rõ thời gian Mỹ đưa ra lời đe dọa.
Tổng thống Philippines Duterte. - Ảnh: Reuters. |
Hồi tháng 10, một công tố viên ICC cho biết tòa án có trụ sở ở thành phố La Haye (Hà Lan) có thẩm quyền khởi tố những thủ phạm trong các vụ giết hại ở Philippines.
Theo Vnexpress, hôm 17/11, ông Duterte tuyên bố có thể đi theo Nga, rút khỏi ICC, miêu tả tổ chức này là "vô dụng". Ông tin rằng phương Tây không hiểu tính nghiêm trọng của vấn đề sử dụng ma tuý ở Philippines, khẳng định lại quyết tâm thực hiện chiến dịch này.
"Tôi sẽ không bao giờ cho phép đất nước của mình bị chỉ trích, khi tôi còn là thị trưởng, tôi đã nói nếu các người phá hoại thành phố của tôi bằng ma tuý, tôi sẽ giết các người. Đơn giản là tôi sẽ giết những kẻ phá hoại để bảo vệ đất nước mình", ông Duterte nói.
Tri Thức Trực Tuyến đưa tin, ngoài chỉ trích ICC "vô dụng", tổng thống Philippines còn quy trách nhiệm cho Liên Hợp Quốc đã không ngăn chặn được nhiều cuộc chiến tranh trên khắp thế giới. Ông cũng bày tỏ sự thất vọng trước những cáo buộc của phương Tây đối với cuộc chiến chống ma túy tại Philippines.
Tổng thống Philippines cũng tuyên bố nếu Nga và Trung Quốc muốn thành lập một "trật tự mới" thì Philippines sẵn sàng tham gia đầu tiên vào trật tự này. Trước đó, nhà lãnh đạo Philippines cũng từng vài lần đề cập đến việc sẽ ngả về phía Nga và Trung Quốc, thay vì thắt chặt quan hệ với đồng minh lâu năm là Mỹ.
ICC là tổ chức thường trực chịu trách nhiệm xét xử các cáo buộc nghiêm trọng như tội diệt chủng hay tội ác chống loài người. Philippines tham gia ICC năm 2011.
Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Duterte đã chế nhạo những quan ngại liên quan các vụ giết hại không cần xét xử có thể diễn ra trong cuộc chiến chống ma túy của ông. Mỹ, Liên minh châu Âu và Liên hợp quốc là những mục tiêu ưa thích trong các bình luận của nhà lãnh đạo này.
Điều 127-Rút khỏi quy chế (Quy chế Rome về Tòa án Hình sự quốc tế): “Một quốc gia thành viên có thể rút khỏi Quy chế này bằng một thông báo bằng văn bản gửi cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Việc rút khút khỏi Quy chế sẽ có hiệu lực sau 1 năm kể từ ngày Tổng Thư ký nhận được thông báo, trừ trường hợp thông báo có ghi rõ thời hạn muộn hơn. Một quốc gia sẽ không được miễn, với lý do rút khỏi Quy chế, những nghĩa vụ phát sinh từ Quy chế này trong thời gian là thành viên của Quy chế, kể cả nghĩa vụ tài chính có thể đã dồn lại. Việc rút khỏi quy chế không ảnh hưởng tới bất kỳ sự hợp tác nào với Tòa án trong việc điều tra tội phạm và hoạt động tố tụng mà quốc gia rút khỏi Quy chế có nghĩa vụ phải hợp tác và đã bắt đầu trước thời điểm việc rút khỏi Quy chế của Quốc gia đó có hiệu lực cũng như không cản trở theo bất kỳ cách nào tới việc tiếp tục giải quyết bất kỳ vấn đề nào đã được Tòa án xem xét trước thời điểm việc rút khỏi Quy chế có hiệu lực.” Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được dịch từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính chất tham khảo. Link nguồn: http://www.un.org |
GIA BẢO (Tổng hợp)
Video tin tức được xem nhiều:
[mecloud]tKKuQxVjYW[/mecloud]