Sau khoảng 1 tuần nghị án kéo dài, mới đây, TAND TP.Hà Nội đã mở lại phiên tòa dân sự tranh chấp đòi nhà cho ở nhờ. Vụ án gây xôn xao dư luận do có liên quan đến việc con dâu khai tử bố mẹ chồng ở Tây Hồ (Hà Nội).
Tòa tuyên hủy giấy tờ trái pháp luật trong vụ con dâu khai tử bố mẹ chồng.
Nguyên đơn trong vụ án được xác định là chị Hoàng Thùy Linh (SN 1975), anh Nguyễn N. (SN 1968), cùng trú An Dương (Tây Hồ). Bị đơn trong vụ án là bà Vũ Thị Viễn (SN 1956, Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội).
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vợ chồng cụ Đỗ Văn Hợp (SN 1932), cụ Nguyễn Thị An (SN 1932), cùng trú phường Nhật Tân (Tây Hồ). Do tuổi cao, sức yếu, 2 cụ Hợp, cụ An đã ủy quyền cho các con là bà Đỗ Thị Huyền (SN 1959, phường Nhật Tân); ông Đỗ Xuân Hương (SN 1970, phường Nhật Tân).
Ngoài 2 cụ Hợp, cụ An, còn có 12 đơn vị, cá nhân là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án như: Phòng công chứng số 3 TP.Hà Nội, UBND TP.Hà Nội, UBND quận Tây Hồ, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội, Phòng công chứng số 1, UBND phường Nhật Tân…
Theo nội dung vụ việc, năm 1998, cụ Đỗ Văn Hợp chia cho con trai cả là Đỗ Mạnh Tiến mảnh đất rộng hơn 180 m2. Năm 2005, ông Tiến qua đời, vợ ông là bà Vũ Thị Viễn đến phòng công chứng số 3 (Hà Nội) thực hiện thủ tục kê khai di sản thừa kế.
Đáng chú ý, bà Viễn chỉ kê tên mình và hai người con gái, còn cha mẹ chồng thì bà lại khai là "đã chết". Thực tế, vợ chồng cụ Hợp vẫn còn đang sống.
Sau khi hoàn tất thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng cho mình, bà Viễn bán toàn bộ thửa đất cho người khác.
Năm 2015, vợ chồng cụ Hợp mới biết mảnh đất của mình bị bà Viễn bán và sang tên cho người khác. Vợ chồng cụ Hợp cho rằng việc chuyển nhượng nhà đất trên là trái phép, không được sự đồng ý của hai cụ. Hai cụ chia cho ông Tiến nhưng chưa có quyết định chia thừa kế hay giấy cho tặng.
Đầu năm 2017, vợ chồng bà Hoàng Thùy Linh làm thủ tục khởi kiện ra tòa.
Sau nhiều lần hoãn phiên tòa, ngày 24/3/2023, TAND TP.Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét sử sơ thẩm vụ án này.
Tuy nhiên, trong quá trình tranh tụng, Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận thấy vụ việc phức tạp, có nhiều tình tiết mới chưa làm sáng tỏ ngay tại phiên tòa tòa và nhiều giấy tờ cần nghiên cứu. Do vậy, HĐXX đã nghị án kéo dài 1 tuần và tiếp tục mở lại phiên tòa vào chiều 31/3/2023.
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng hồ sơ vụ án, cân nhắc trước những tài liệu, lập luận mà Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cụ An, cụ Hợp đưa ra; cuối cùng, HĐXX đã tuyên bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và chấp nhận phần lớn yêu cầu độc lập của cụ An và cụ Hợp.
Cụ thể, Tòa án xác định việc chuyển nhượng giữa bà Viễn và nguyên đơn là trái đạo đức, pháp luật. Từ đó, không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là đòi nhà và tuyên bố hủy bỏ quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn và bà Viễn.
Đồng thời HĐXX cũng xác định việc cấp giấy chứng nhận cũng như chuyển quyền sử dụng đất, các giấy tờ thủ tục, khai tử 2 cụ đã chết không đúng pháp luật và đã tuyên hủy các giao dịch hợp đồng, các giấy tờ chứng nhận sử dụng đất.
Là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hai cụ Đỗ Văn Hợp và cụ Nguyễn Thị An trong vụ án này, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa đã trình bày đưa ra lập luận, lý lẽ, quan điểm, chứng cứ để chứng minh mảnh đất của cụ An, cụ Hợp, quản lý, sử dụng ổn định, liên tục lâu dài và có tên trong hồ sơ địa chính, các thời kì đo vẽ bản đồ, lập mục kê.
Sau phán quyết sơ thẩm được tuyên, bà Đỗ Thị Huyền, con của 2 cụ cho biết: “Từ thời điểm phát hiện mình bị con dâu “khai tử”, trong khi hai cụ vẫn còn đang sống khiến bố tôi quá sốc, bị bệnh liên quan đến tim mạch. Ròng rã suốt 8 năm theo đuổi hành trình công lý đòi lại hai chữ “còn sống” khiến sức khỏe của hai cụ ngày một yếu đi, nhất là bố tôi. Tháng 3/2023, bố tôi từ ung thư dạ dày đã di căn lên gan và thành xơ gan cổ trướng phải thở ô xi tại nhà. Với phán quyết của tòa cấp sơ thẩm tuyên hủy tất cả các giấy tờ trái pháp luật trong vụ án này, phần nào đã an ủi hai cụ. Đến nay, bố tôi khi chuẩn bị về với các cụ tổ tiên đã có thể nhắm mắt, ông phần nào đã được trả lại quyền sống trước khi chết. Nỗi oan ức của bố mẹ tôi sau nhiều năm đã được giải tỏa”.
Tư Viễn