(ĐSPL) - Thư viện tỉnh Đồng Tháp là nơi đầu tiên mở cửa phòng đọc phục vụ người khuyết tật - khiếm thị. Mục đích của việc làm này nhằm tạo điều kiện cho những trường hợp kém may mắn có cơ hội tiếp xúc với tri thức. Điều quan trọng hơn cả, nơi đây sẽ là “ngôi nhà tri thức”, cải thiện đời sống tinh thần, giúp người khuyết tật - khiếm thị để họ tiếp cận với con chữ, làm những việc có ích cho đời.
Thư viện cho người khuyết tật, khiếm thị
Phòng đọc dành cho người khuyết tật thuộc Thư viện tỉnh Đồng Tháp (đường Phạm Hữu Lầu, phường 4, TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp) chính thức đưa vào hoạt động từ cuối tháng Sáu vừa rồi. Đây là nơi truyền ngọn lửa ham học cho những người khuyết tật, khiếm thị, trẻ em bán vé số, người lang thang cơ nhỡ... trên địa bàn. Nơi đây được xem là “ngôi nhà tiếp cận tri thức” của những hoàn cảnh đặc biệt. Để những người khiếm khuyết có thể đọc sách, lãnh đạo Thư viện Đồng Tháp được đầu tư 3 máy tính với phần mềm chuyên dụng dành cho người khuyết tật, khiếm thị; sách chữ nổi và 200 đĩa CD dạng sách nói.
Trò chuyện với PV báo ĐS&PL, bà Nguyễn Thị Hoa – Giám đốc Thư viện Đồng Tháp chia sẻ: “Đối tượng phục vụ là người già, trẻ em khiếm thị, tàn tật có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đến trường. Hiện, Thư viện đã cấp hơn 20 thẻ thành viên cho người khuyết tật đến sinh hoạt. Dự kiến ngày 29/9 tới, Thư viện Đồng Tháp sẽ tổ chức cuộc thi Thử tài đánh máy dành riêng cho người khuyết tật, khiếm thị. Hiện đã có gần chục thí sinh đăng ký dự thi và số lượng sẽ còn tăng lên trong thời gian tới”.
Bà Nguyễn Thị Hoa – Giám đốc Thư viện Đồng Tháp đang trao đổi với PV báo ĐS&PL (Ảnh Thanh Lâm). |
Cũng theo bà Hoa, bên cạnh những độc giả là người thân quen, hướng tới, Thư viện sẽ tiếp tục vận động những người khuyết tật, khiếm thị trên toàn tỉnh đến với Thư viện. Dù việc vận động, tuyên truyền này là không hề dễ dàng, nhưng bằng sự quyết tâm, sự yêu nghề, tập thể lãnh đạo, nhân viên Thư viện sẽ kiên trì thuyết phục nhằm giữ được lượng bạn đọc mang tính bền vững. Mặt khác, đội ngũ nhân viên Thư viện luôn có tâm, sự gần gũi, tiếp xúc và nắm bắt được tâm lý của người khuyết tật – khiếm thị. Từ đó, họ sẽ dễ dàng hòa nhập, trải lòng và sẵn sàng thổ lộ tâm tư tình cảm của mình”, bà Hoa chia sẻ bằng cả sự tâm huyết.
Cũng trò chuyện với chúng tôi, bà Đặng Thị Bé Tám – Phó Giám đốc Thư viện Đồng Tháp hồ hởi nói thêm: “Hiện tại có 5 em thuộc diện khuyết tật, khiếm thị đang là bạn đọc thân thiết của Thư viện. Các trường hợp này thường xuyên đến để đọc sách, vui chơi, chơi cờ tướng và học đánh máy tính, nghe nhạc online... Trong số này, em Nguyễn Minh Thiện (SN 1998, ngụ xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) mỗi tuần một lần đến Thư viện học đánh máy tính và tham gia tích cực các hoạt động tại đây. Dù khoảng cách từ nhà đến Thư viện khá xa nhưng Thiện vẫn tranh thủ đến thư viện đều đặn”.
Khi đến thư viện, Thiện được người thân đưa đến bến xe buýt rồi bắt xe đi tiếp đến bến phà Cao Lãnh (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Thiện đến bến phà, sẽ có người của Thư viện đón. Cuối ngày, sẽ có người đưa Thiện đến bến phà, bắt xe buýt chạy ngược về nhà. Bà Bé Tám nói với PV, thư viện phải tận tình như thế thì gia đình mới đồng ý cho Thiện tham gia. Sau thời gian tham gia tại đây, cậu bé thấy yêu đời, vui vẻ, lạc quan hơn trong cuộc sống. Đồng thời, Thiện biết sử dụng thời gian nhàn rỗi của mình vào những công việc có ích hơn nhằm phụ giúp gia đình.
Ngôi nhà của những người cùng cảnh ngộ
Đến với Thư viện Đồng Tháp, chúng tôi gặp Thủ thư Trần Thái Hòa (27 tuổi, ngụ xã Tân Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp). Hòa cũng là một người khiếm thị. Hòa là nhân viên khoán việc tại Thư viện này, đã tốt nghiệp khoa Tâm lý giáo dục đại học Sư phạm TP.HCM vào năm 2014. ước mơ đèn sách. Và rồi, TP.HCM là điểm đến của Hòa. Ngay lập tức, Hòa một mình khăn gói vào TP.HCM đèn sách. Sau khi tốt nghiệp đại học, năm 2015, Hòa được nhận vào làm việc tại một trung tâm người khuyết tật ở Bình Phước và sau đó trở về Đồng Tháp phục vụ cho quê hương.
“Bản thân em là một người khiếm thị nên hiểu rõ tâm tư tình cảm của những người có hoàn cảnh giống mình. Công việc này đòi hỏi phải tốn nhiều thời gian. Khi tiếp xúc với các bạn khiếm thị đến đây tham gia các hoạt động của thư viện, em luôn tránh để họ rơi vào trạng thái lạc lõng, cô đơn. Có như thế mới tiếp tục thu hút các bạn thường xuyên lui đến tham gia hoạt động. Điều quan trọng nhất, khi hướng dẫn các thao tác trên máy tính cho người không thấy ánh sáng thì người dạy cần phải kiên nhẫn, không được nản lòng. Chính vì điều này mà chỉ trong thời gian ngắn, một người mù chưa biết máy tính là gì cũng có thể thực hiện thao tác đánh máy chữ, xem tin tức, nghe nhạc...”, Hòa chia sẻ kinh nghiệm.
Ban Giám đốc Thư viện Đồng Tháp và thủ thư Trần Thái Hòa (người đứng bên phải) đang cùng nhóm khiếm thị – khuyết tật giao lưu cờ tướng (Ảnh Thanh Lâm). |
Như để minh chứng, Hòa thoăn thoắt từng ngón tay thật điêu luyện gõ phím đánh máy. Đồng thời, trên chiếc ĐTDĐ cảm ứng của mình, cậu tự tin tìm danh bạ, nhắn tin, hay lưu danh sách mới... Khi được hỏi về những dự định trong tương lai, Hòa cười hiền đáp: “Hiện tại em muốn cống hiến hết tâm sức vào việc hướng dẫn các bạn khiếm thị – khuyết tật có được vốn kiến thức cơ bản để tự tin hòa nhập cộng đồng, cũng như để đáp lại tình cảm, không phụ lòng mong mỏi của các anh chị trong thư viện. Vài năm tới, em cũng sẽ xây dựng hạnh phúc cho riêng mình, giờ “người ấy” em giữ bí mật, bởi kinh tế giờ quá khó khăn, chúng em chưa thể đi xa hơn...”.
Với những đóng góp tích cực nêu trên, Thư viện Đồng Tháp vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Thủ tướng Chính phủ trao tặng. Đặc biệt, năm 2016, thư viện này là một trong top 10 thư viện tỉnh xuất sắc được bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng bằng khen.
Có em “ghiền” thư viện từ lúc cơ nhỡ Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hoa – Giám đốc Thư viện Đồng Tháp kể lại: “Ở đây tôi rất ấn tượng với cậu thanh niên tên Lê Thanh Sang (18 tuổi, ngụ TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Em là độc giả thân thiết nhất và rất gắn bó với thư viện tỉnh Đồng Tháp. Từ khi học tiểu học, dù một buổi đến lớp, một buổi bán vé số dạo, Sang vẫn tranh thủ giờ nghỉ để đến thư viện đọc sách. Giờ em đã vào lớp 12 nhưng vẫn thường xuyên dẫn các em nhỏ khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn đến với thư viện để tìm sách đọc nhằm bổ trợ kiến thức. Chúng tôi rất trân trọng những đứa trẻ như vậy. Các em này đều rất ham học, ham tìm hiểu kiến thức nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn lại bị khiếm thị nên thường phải nghỉ học giữa chừng”. |
THANH LÂM
[mecloud]UkrhtZSrOF[/mecloud]