Theo thông tin từ Tạp chí Sở hữu trí tuệ, trong lịch sử, Việt Nam đã trải qua nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, từ 72 đơn vị năm 1975 xuống còn 38, sau đó tăng dần lên 63 đơn vị từ năm 2008 và duy trì đến nay. Tuy nhiên, một điểm đặc biệt là tỉnh Thái Bình chưa bao giờ bị chia tách hay sáp nhập, giữ nguyên ranh giới kể từ khi được thành lập vào năm 1890. Thêm vào đó, cái tên Thái Bình cũng được giữ nguyên vẹn trong suốt 135 năm qua.
Thái Bình là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, có diện tích 1.586,3 km², thuộc nhóm 10 tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước. Tỉnh có dân số khoảng 1,87 triệu người và được bao bọc bởi ba con sông lớn là sông Hồng (phía Tây và Tây Nam), sông Luộc (phía Bắc) và sông Hóa (phía Đông).
Với đặc điểm địa hình hoàn toàn đồng bằng, không có đồi núi, Thái Bình là vùng đất trù phú, được phù sa của sông Hồng và hệ thống sông ngòi chằng chịt bồi đắp. Điều này khiến tỉnh có vị thế đặc biệt, như một “hòn đảo nổi” giữa các dòng sông.
Thái Bình chưa bao giờ đổi tên hay bị sáp nhập, chia tách tỉnh. Ảnh: Báo Thanh niên.
Theo Tạp trí Công dân và Khuyến học, tỉnh Thái Bình được thành lập ngày 21/3/1890 dưới thời Pháp thuộc, bao gồm 3 phủ Kiến Xương, Thái Ninh, Tiên Hưng với tổng cộng là 12 huyện Đông Quan, Duyên Hà, Hưng Nhân, Trực Định, Phụ Dực, Quỳnh Côi, Thanh Quan, Thư Trì, Thụy Anh, Tiền Hải, Thần Khê, Vũ Tiên.
Sau năm 1945, bỏ cấp phủ, gọi chung là huyện, tỉnh Thái Bình có 13 đơn vị hành chính gồm thị xã Thái Bình và 12 huyện: Đông Quan, Duyên Hà, Hưng Nhân, Kiến Xương, Phụ Dực, Quỳnh Côi, Thái Ninh, Thư Trì, Thụy Anh, Tiền Hải, Tiên Hưng, Vũ Tiên.
Ngày 17/6/1969, Hội đồng Chính phủ ra quyết định 93-CP về việc hợp nhất và điều chỉnh địa giới các huyện: Hợp nhất hai huyện Quỳnh Côi và Phụ Dực thành huyện Quỳnh Phụ; Hợp nhất hai huyện Hưng Nhân và Duyên Hà thành huyện Hưng Hà; Hợp nhất hai huyện Ðông Quan và Tiên Hưng thành huyện Ðông Hưng; Hợp nhất hai huyện Vũ Tiên và Thư Trì thành huyện Vũ Thư; sáp nhập một số xã của huyện Vũ Tiên vào huyện Kiến Xương; sáp nhập một số xã của huyện Kiến Xương vào huyện Tiền Hải.
Năm 1982 và 1986 Hội đồng Bộ trưởng quyết định sáp nhập một số xã ở Vũ Thư và mở rộng địa giới hành chính của thị xã Thái Bình (nay là TP Thái Bình).
Như vậy, trong rất nhiều lần sáp nhập, chia, tách các tỉnh thành trên cả nước, Thái Bình không bị sáp nhập, chia, tách tỉnh mà vẫn giữ nguyên, cơ bản như khi thành lập vào năm 1890. Tên gọi tỉnh Thái Bình cũng tồn tại đến nay là 135 năm.
Dù Việt Nam trải qua nhiều đợt điều chỉnh địa giới hành chính, Thái Bình vẫn giữ nguyên đơn vị cấp tỉnh từ khi thành lập đến nay, không bị sáp nhập với tỉnh khác hay chia tách. Đây là một nét rất đặc biệt của tỉnh này.