Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tình hình dịch virus corona ngày 3/6: Vệ binh Quốc gia Mỹ nhiễm Covid-19 khi đối phó biểu tình

(DS&PL) -

Tình hình dịch virus corona ngày 3/6: Vệ binh Quốc gia Mỹ nhiễm Covid-19 khi đối phó biểu tình; Chỉ số lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Berlin lên mức báo động đỏ;...

Tình hình dịch virus corona ngày 3/6: Vệ binh Quốc gia Mỹ nhiễm Covid-19 khi đối phó biểu tình; Chỉ số lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Berlin lên mức báo động đỏ; WHO kêu gọi Mỹ hỗ trợ khu vực Mỹ Latinh chống Covid-19;...

Theo số liệu cấp nhất trên trang worldometers, tính đến 14h ngày 3/6 (giờ Hà Nội), tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã tăng lên 6.453.781, trong đó có 382.507 trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, 3.068.410 bệnh nhân đã được chữa khỏi và hồi phục.

Vệ binh Quốc gia Mỹ nhiễm Covid-19 khi đối phó biểu tình

Vệ binh Quốc gia Mỹ tại Minneapolis, Minnesota hôm 29/5. Ảnh: Reuters

Lực lượng Vệ binh Quốc gia bang Minnesota triển khai gần 7.000 thành viên để hỗ trợ cảnh sát đối phó với các cuộc biểu tình sau cái chết của George Floyd, người da màu bị tử vong sau khi bị cảnh sát ghì cổ hôm 25/5.

Tuy nhiên, lực lượng này đang phải lên kế hoạch xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tất cả thành viên trong đội được triển khải, sau khi phát hiện một thành viên nhiễm Covid-19 và 9 người có triệu nghi nhiễm.

"Ngay khi được huy động, tất cả các thành viên của chúng tôi đã được giám sát mức độ sẵn sàng về sức khỏe, bao gồm các triệu chứng của Covid-19", trung tá Dean Stulz thuộc Vệ binh Quốc gia Minnesota nói. "Đánh giá và xét nghiệm cho các vệ binh được triển khai là một phần trong kế hoạch của chúng tôi ngay từ những ngày đầu, không phải động thái phản ứng sau khi có ca dương tính".

"Chúng tôi đã cố gắng đeo khẩu trang và khuyến khích cách biệt cộng đồng khi có thể, nhưng khi chúng tôi đứng thành hàng bảo vệ người dân hay các tòa nhà, chúng tôi phải vai kề vai", Hawks nói thêm. "Đó là những rủi ro chúng tôi phải chấp nhận khi khoác lên mình bộ đồng phục để bảo vệ an ninh công cộng và thiết lập lại hòa bình, trật tự".

Chỉ số lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Berlin lên mức báo động đỏ

Người dân Berlin tận hưởng nắng ấm trước cổng Brandenburg. Ảnh: Reuters

Chỉ số lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở thủ đô Berlin của Đức đã tăng lên 1,95, mức báo động đỏ trong bối cảnh các biện pháp giãn cách xã hội đang tiếp tục được nới lỏng không chỉ ở Berlin mà trên tất cả các bang ở Đức.

Thành phố Berlin có quy định riêng liên quan việc nới lỏng giãn cách xã hội, căn cứ vào 3 tiêu chí là chỉ số lây nhiễm (R), mức lây nhiễm mới/100.000 dân và số giường bệnh kín chỗ. Trong trường hợp có 2 tiêu chí ở mức báo động đỏ, chính quyền Berlin sẽ siết chặt trở lại các biện pháp giãn cách xã hội.

Chỉ số lây nhiễm lên mức 1,95, có nghĩa một người bệnh lây nhiễm cho gần 2 người khác. Trước đó, Berlin đã trải qua 3 ngày liên tiếp có chỉ số R ở trên mức nguy hiểm (1,2), theo đó 1 trong 3 tiêu chí nêu trên đã chuyển sang mức cảnh báo đỏ.

Tương tự, nếu số ca nhiễm mới tăng trên 30 người/100.000 dân và số giường bệnh kín chỗ trên 25%, hai tiêu chí còn lại cũng sẽ chuyển sang mức cảnh báo đỏ. Hiện tỷ lệ lây nhiễm mới ở Berlin mới chỉ là 5,1/100.000 dân, trong khi tỷ lệ giường bệnh kín chỗ là 3,3%.

Theo số liệu của cơ quan y tế Berlin, thủ đô nước Đức hiện còn 317 ca nhiễm và thêm 35 ca nhiễm mới trong ngày 2/6. Trong khi đó trên toàn nước Đức, chỉ số R trong ngày 2/6 đã giảm xuống mức 0,89, giảm so với một ngày trước đó (1,2).

WHO kêu gọi Mỹ hỗ trợ khu vực Mỹ Latinh chống Covid-19

Bà Carissa Etienne, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phụ trách khu vực châu Mỹ. Ảnh: Reuters

Bất chấp Washington tuyên bố sẽ cắt đứt quan hệ, ngừng tài trợ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lãnh đạo tổ chức này vẫn kêu gọi Mỹ hỗ trợ các nước Mỹ Latinh đối phó dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phụ trách khu vực châu Mỹ, bà Carissa Etienne cho biết, hiện châu Mỹ Latinh đã ghi nhận khoảng 3 triệu ca mắc Covid-19. Dịch bệnh bùng phát mạnh đang gây sức ép lớn khiến hệ thống bệnh viện của một số quốc gia tại khu vực này đứng trước nguy cơ sụp đổ.

Theo bà Etienne, Mỹ là nước tài trợ lớn cho WHO ở khu vực Mỹ Latinh (PAHO), chiếm tới 60% các khoản hỗ trợ tài chính cho PAHO. “Mỹ từ lâu đã là nhà tài trợ lớn nhất của PAHO và cũng là đối tác quan trọng của chúng tôi”, quan chức WHO nói.

Bà kêu gọi Mỹ hỗ trợ các nước ở Mỹ Latinh đối phó với đại dịch Covid-19 hiện nay bất chấp việc Tổng thống Donald Trump trước đó tuyên bố sẽ cắt đứt hoàn toàn quan hệ và ngừng tài trợ cho WHO.

Kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và WHO căng thẳng sau khi Washington cáo buộc tổ chức này chậm trễ đối phó đại dịch Covid-19 và “thiên vị” Trung Quốc. Lãnh đạo WHO đã bác bỏ các cáo buộc và kêu gọi Mỹ tiếp tục hợp tác để hỗ trợ y tế toàn cầu.

Hoa Vũ (T/h)

Tin nổi bật