Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tình hình chiến sự Syria mới nhất ngày 5/5: Phòng không Syria đánh chặn tên lửa làm rung chuyển căn cứ hải quân Nga

(DS&PL) -

Tình hình chiến sự Syria mới nhất ngày 5/5: Phòng không Syria đánh chặn tên lửa làm rung chuyển căn cứ hải quân Nga; Nga tích cực mở rộng căn cứ hải quân tại Syria;...

Tình hình chiến sự Syria mới nhất ngày 5/5: Phòng không Syria đánh chặn tên lửa làm rung chuyển căn cứ hải quân Nga; Nga tích cực mở rộng căn cứ hải quân tại Syria;...

Phòng không Syria đánh chặn tên lửa làm rung chuyển căn cứ hải quân Nga

Chiến hạm và tàu ngầm kilo neo đậu ở căn cứ hải quân Tartus của Nga ở Syria. Ảnh: AP

Đêm 3/5 (giờ Moscow), ít nhất hai vụ nổ cực mạnh được ghi nhận đã vang lên tại khu vực căn cứ hải quân của Nga ở cảng Tartus trên đất Syria.

Thông tin về sự việc nói trên được cung cấp bởi người dân địa phương xung quanh quân cảng và được báo chí Syria trích dẫn, cần lưu ý rằng bản chất của các vụ nổ vẫn chưa được làm rõ.

Thông báo cho biết: “Một vài phút trước, hai vụ nổ mạnh đã xảy ra gần như đồng thời, kết quả là các bức tường tại nhiều ngôi nhà xung quanh bị rung chuyển, trong khi tiếng nổ được nghe thấy vang khắp Tartus”.

Ngày 5/5 (giờ Syria), SANA đưa tin đã có các vụ nổ tại khu vực gần hai thành phố duyên hải của nước này là Latakia và Tartous.

SANA cho biết các tiếng nổ là do các hệ thống phòng không "ngăn chặn các mục tiêu của kẻ thù".

Theo nguồn tin này, "các tên lửa của kẻ thù" đã nhằm vào các khu vực Al-Haffah ở Latakia và Masyaf nằm ở phía tây Hama.

SANA trong thông tin cập nhật sau đó cho biết đây là một vụ không kích của kẻ thù nhằm vào một nhà kho chứa vật liệu nhựa ở ngoại ô Latakia. Phòng không Syria đã đáp trả và đánh chặn các tên lửa. Vụ tấn công khiến một dân thường thiệt mạng và hai người khác bị thương.

Trước đó, hãng tin Step News của Syria cho biết, Nga bắt đầu tăng cường sự hiện diện tại căn cứ hải quân của mình ở Tartus. Theo dữ liệu đưa ra, lượng tàu chiến mà Nga dự định duy trì ở đây có thể tăng lên đáng kể, trong khi sự xuất hiện của một ụ nổi sẽ trở thành bảo hiểm chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có khả năng đóng cửa eo biển Bosphorus.

"Tổ hợp công nghiệp – quân sự Nga đang tìm cách mở rộng căn cứ hải quân Nga trên bờ biển Địa Trung Hải ở thành phố Tartus, miền tây Syria. Một nguồn tin trong tổ hợp này cho biết. Nga đang mở rộng khả năng kỹ thuật của căn cứ hải quân ở cảng Tartus, giúp việc sửa chữa tàu chiến và tàu ngầm trở nên dễ dàng hơn. Việc xây dựng cầu tàu nổi sẽ được hình thành và chuyển giao cho căn cứ hải quân Nga ở Tartus vào năm 2022. Tuy nhiên, vẫn chưa có nguồn tin nào xác nhận vấn đề này", Step News cho biết.

Các chuyên gia lưu ý rằng một trong những lý do chính để Nga tăng cường khả năng của căn cứ hải quân ở Syria là mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ có thể xấu đi. Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng cửa eo biển Bosphorus đối với tàu chiến và tàu ngầm Nga, đặc biệt là khi các quốc gia NATO đã công khai tuyên bố sẵn sàng chặn quân đội Nga.

Nhóm G7 khẳng định chấm dứt xung đột ở Syria bằng giải pháp chính trị

Ngoại trưởng các nước Nhóm G7 họp mặt trực tiếp ngày 4/5 tại London, Anh. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 4/5 cho biết, ông và những người đồng cấp của Nhóm G7 tái khẳng định cam kết trong việc hỗ trợ một giải pháp chính trị tại Syria cũng như cơ chế viện trợ xuyên biên giới của Liên hợp quốc.

Trong tuyên bố trên mạng Twitter, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nêu rõ: “Những người đồng cấp của tôi trong nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (Nhóm G7) và tôi đã tái khẳng định cam kết đối với một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt xung đột tại Syria và hỗ trợ việc tiếp tục triển khai cơ chế viện trợ xuyên biên giới của Liên hợp quốc (LHQ)”.

Ông Blinken cũng nhấn mạnh, các nước thành viên G7 sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy thực hiện Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an LHQ trên tất cả các phương diện nhằm tạo điều kiện cho một giải pháp chính trị tại Syria để chấm dứt cuộc xung đột hiện nay.

Trong một nỗ lực hòa giải giữa chính phủ Syria và phe đối lập, LHQ năm 2019 đã thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria, gồm 150 thành viên trong chính phủ, phe đối lập và xã hội dân sự.

Vòng đàm phán mới đây nhất và cũng là vòng đàm phán thứ 5 của Ủy ban này đã diễn ra tại Geneva, Thụy Sỹ hồi cuối tháng 1/2021.

Đặc phái viên của LHQ về Syria Geir Pedersen đã gọi vòng đàm phán này là “một nỗi thất vọng”, đồng thời lưu ý rằng, các vấn đề nghị sự cụ thể đã không đạt được như kỳ vọng của các nhà ngoại giao trước phiên họp.

Hoa Vũ (T/h)

Tin nổi bật