Mỹ không kích tiêu diệt 2 chỉ huy khủng bố ở Idlib
Ngày 20/9, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, máy bay không người lái của lực lượng liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu đã tiêu diệt 2 chỉ huy của các nhóm Hồi giáo thánh chiến có quan hệ với tổ chức khủng bố Al-Qaeda ở khu vực Idlib phía Tây Bắc Syria.
Mỹ dẫn đầu lực lượng liên quân quốc tế tiến hành cuộc không kích ở Syria vào ngày 20/9. Ảnh: Yahoo news
Theo nguồn tin, vụ tấn công nhằm vào một chiếc xe đang di chuyển từ thành phố Idlib tới vùng Binnish.
Người đứng đầu SOHR Rami Abdel Rahman cho hay, một thủ lĩnh người Tunisia đã bị tiêu diệt, người còn lại đến từ Yemen hoặc Saudi Arabia, song không tiết lộ chi tiết họ thuộc về nhóm Hồi giáo thánh chiến nào.
Trong khi đó, Bộ tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) khẳng định, các lực lượng Mỹ "đã tiến hành cuộc không kích ở Syria, tiêu diệt một thủ lĩnh cấp cao của Al-Qaeda và không có dân thường nào bị thương".
Tỉnh Idlib hiện là nơi ẩn náu của chi nhánh tổ chức khủng bố Al-Qaeda tại Syria, cùng lực lượng phiến quân đối lập và các nhóm Hồi giáo thánh chiến. Lực lượng Hồi giáo cực đoan này từ lâu đã là mục tiêu tấn công của Syria, Nga và liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu.
Nga nã bom dữ dội vào khủng bố ở Idlib
Nga tấn công vào các vị trí của khủng bố ở Syria. Ảnh minh họa
Avia.pro cho biết các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã thực hiện hàng chục cuộc tấn công bằng tên lửa và bom vào các vị trí khủng bố ở phía nam Idlib. Những vị trí này được cho là có tầm quan trọng then chốt đối với các chiến binh khủng bố vì chúng giúp ngăn chặn khu vực trước cuộc tấn công của quân đội Syria.
Hiện tại, quân đội Syria không có bất kỳ nỗ lực nào để tấn công các chiến binh thánh chiến ở Idlib. Tuy nhiên, cùng với Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga, quân đội Syria bắt đầu có các cuộc tấn công bằng tên lửa và pháo vào khu vực này, rõ ràng họ đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công mạnh mẽ.
Trước đó, có nguồn tin cho rằng quân đội Syria có kế hoạch giành quyền kiểm soát lãnh thổ Idlib nằm ở phía nam đường cao tốc M-4. Bên cạnh đó, họ dự kiến sẽ giành quyền kiểm soát đường cao tốc trọng yếu, cho phép họ bắt đầu cuộc tấn công vào Idlib – thủ phủ của một tỉnh cùng tên.
Thổ Nhĩ Kỳ được cho là cũng tăng cường sự hiện diện quân sự ở Syria, gửi thêm xe bọc thép tới đây và triển khai thêm lực lượng quân đội. Điều này cho thấy sự đối đầu của lực lượng này trong khu vực.
S-200 Syria lần đầu 'bắt sống' F-35 Israel
Tiêm kích tàng hình F-35I. Ảnh: Reporter
Báo chí khu vực Trung Đông cho biết, hệ thống phòng không S-200 của Syria đã xác định được vị trí và theo dõi một máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 I Adir của Israel, cách khoảng 40 km so với biên giới Syria.
Đây là trường hợp đầu tiên có bằng chứng rõ ràng cho thấy một chiếc tiêm kích tàng hình F-35 của Israel bị hệ thống phòng không Syria phát hiện và có thể bị tiêu diệt nếu nó cố gắng tấn công lãnh thổ nước này.
Trước đó có thông tin cho rằng Quân đội Syria với tên lửa dẫn đường của hệ thống phòng không S-200 đã bắn hạ một máy bay chiến đấu F-35 vào cuối năm 2017 nhưng bằng chứng về vấn đề này vẫn chưa được đưa ra nên tính chính xác không thể ghi nhận.
Tuy nhiên, theo báo chí Mỹ, Israel đã gửi một báo cáo cho nước này, trong đó cho biết vào giữa năm 2018, máy bay chiến đấu F-35I Adir của họ đã bị S-200 Syria phát hiện và theo dõi suốt chặng bay.
Hệ thống phòng không S-200 khi đó được triển khai cách biên giới Syria - Israel vài chục km, với tầm trinh sát rất xa của radar, tổ hợp này đủ khả năng phát hiện F-35 từ trên đất Israel nếu máy bay không thực hiện các biện pháp phòng tránh sóng điện từ.
Phía Syria đã không tấn công máy bay chiến đấu của Israel nhưng "hộ tống" nó trong một khoảng thời gian rất dài, cho đến khi chiếc tiêm kích này nằm ngoài vùng phát hiện đối với hệ thống phòng không của họ.
Căn cứ vào các dữ liệu được trình bày, lý do khiến tiêm kích F-35 của Israel bị phát hiện là do việc sử dụng những thùng nhiên liệu hòa nhập khí động và tên lửa trên hệ thống treo bên ngoài.
Điều này đã làm vô hiệu hóa công nghệ "tàng hình" của chiếc máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm nói trên, với mức độ còn lớn hơn khi đeo thấu kinh Luneberg Lens để che giấu chỉ số RCS thật.
Trong bối cảnh đó, phía Nga cho rằng hệ thống phòng không S-300 hiện đại hơn nhiều có trong biên chế Quân đội Syria sẽ dễ dàng phát hiện F-35, ngay cả khi chiếc tiêm kích không có vũ khí treo bên ngoài và không mang thêm thùng nhiên liệu.
Việc để lộ những thông tin như vậy cho thấy trong tình huống giao tranh, phòng không Syria hoàn toàn có thể làm nên chuyện trước Không quân Israel được trang bị rất hiện đại, báo chí Nga kết luận.
Mặc dù vậy, cũng có ý kiến thẳng thắn nhận định rằng việc phát hiện được F-35I Adir của Israel trong một chuyến bay tập khi nó cố tình lộ diện khác hẳn với tình huống thực tế trong chiến đấu.
Nếu F-35 Israel bỏ hết vũ khí cũng như thùng dầu phụ treo ngoài và còn thực hiện đường bay thấp, lợi dụng địa hình địa vật để tiếp cận mục tiêu, thì phòng không Syria chẳng có cách nào phát hiện được, điều này đã được chứng minh nhiều lần trong thực tế.
Thậm chí trong trường hợp có nhìn thấy F-35 vì một số lý do đặc biệt đi nữa thì việc tên lửa dẫn đường của tổ hợp S-200 Angara tiêu diệt thành công nó cũng có xác suất cực kỳ thấp.
Cần nhắc lại, S-200 là hệ thống phòng không được Liên Xô tạo ra chủ yếu để chống lại máy bay ném bom chiến lược to lớn và cồng kềnh chế tạo từ thập niên 1960, đạn đánh chặn của Angara có sức cơ động rất kém, nhất là ở độ cao thấp.
Phi công F-35 nói riêng hay các loại tiêm kích khác nói chung khi nhận thấy tên lửa S-200 lao về phía mình chỉ cần thực hiện một động tác thao diễn đơn giản cũng đủ đánh lừa đạn tấn công đối phương và giữ an toàn cho mình.
Hoa Vũ (T/h)