Kịch bản tồi tệ khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Idlib
Trong tuyên bố hôm 12/10, phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết, nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành một chiến dịch quân sự chống lại các lực lượng Chính phủ Syria tại Idlib thì "đây sẽ là kịch bản tồi tệ nhất".
Kế hoạch tấn công vào Idlib được Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nói đến khi ông này cho rằng, các cuộc đàm phán với Nga về tình hình Idlib đã không đáp ứng được yêu cầu của Ankara và một hành động quân sự chỉ còn là vấn đề thời gian.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria. Ảnh: Rudaw
Đây là điều khá bất ngờ bởi hồi cuối tháng 9/2021, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang rút khỏi phần phía Nam tỉnh Idlib. Động thái này diễn ra sau cuộc gặp ngày 29/9 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tại khu nghỉ dưỡng Sochi.
Các nguồn tin trong giới quân sự Syria cho biết xe tăng và các xe bọc thép của Thổ Nhĩ Kỳ đã rời khỏi một phần Idlib. Đoàn xe di chuyển theo xa lộ M4. Tuy nhiên, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nắm quyền kiểm soát tuyến đường này.
Chính vì vậy, kế hoạch mở cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến tình hình tại Idlib vốn đã căng thẳng giờ thêm nóng hơn.
Giới quan sát cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chuẩn bị tấn công vào Idlib để tạo sức ép ngoại giao buộc Nga phải hành động ép chính quyền Tổng thống Assad không đánh Idlib.
Nếu đây là cái đích của Thổ Nhĩ Kỳ trong kế hoạch tấn công lần này thì điều đó khó có thể thực hiện. Bởi theo hãng Southfront, SAA cũng đang có những sự chuẩn bị cần thiết để thực hiện cuộc chiến tại Idlib.
Cùng với đó, máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-22M3 của Nga dự kiến sẽ tham gia hoạt động này. Một số oanh tạc cơ được xác nhận đã có mặt tại căn cứ không quân Khmeimim.
"Sự kiện từ hai năm trước cho thấy các chiến binh đang tập trung lực lượng ở những khu vực nhỏ, và nếu sử dụng máy bay ném bom Tu-22M3, đội hình lớn của đối phương có thể bị phá hủy chỉ bằng một đòn tấn công mạnh.
Chiến thuật tương tự đã được Nga sử dụng để chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo trước đây", Southfront cho biết. Nếu kế hoạch của Nga với Tu-22M3 đúng như Southfront tiết lộ thì việc Thổ phát động tấn công vào Idlib, 'kịch bản tồi tệ' sẽ xảy ra.
Israel "thề" không trả Cao nguyên Golan cho Syria
Cao nguyên Golan. Ảnh: Reuters
Phát biểu tại một hội nghị về tương lai của Cao nguyên Golan hôm 11/10, Thủ tướng Israel Naftali Bennett bất ngờ cho rằng, cuộc xung đột nội bộ ở Syria đã "thuyết phục nhiều người trên thế giới rằng nên để vùng lãnh thổ đẹp đẽ và chiến lược này trong tay của Israel".
"Tuy nhiên, ngay cả trong tình huống là khi thế giới thay đổi quan điểm liên quan đến Syria, hoặc liên quan đến (Tổng thống Syria) Assad, điều này không liên quan đến Cao nguyên Golan", nhà lãnh đạo Israel nói. "Cao nguyên Golan là của Israel, chấm hết".
Cao nguyên Golan, vùng đất rộng lớn nằm giữa giữa Syria, Israel, Liban và Jordan, được xác định là phần lãnh thổ của Syria từ thời xa xưa. Sau Thế chiến thứ II, khu vực này được công nhận là phần lãnh thổ không thể tách rời khỏi sự kiểm soát của chính quyền ở Damascus.
Trong cuộc "Chiến tranh sáu ngày" năm 1967 giữa Israel và các quốc gia Arab ở Trung Đông, Tel Aviv đã dùng vũ lực chiếm được khoảng 1.200km2, tức phần lớn Cao nguyên Golan, từ tay Syria cùng Dải Gaza và Bán đảo Sinai từ Ai Cập, Bờ Tây sông Jordan và Đông Jerusalem.
Đến năm 1981, Israel ra quyết định sáp nhập khu vực chiếm đóng ở Cao nguyên Golan vào lãnh thổ của mình, trong động thái không được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ), với Mỹ là một thành viên, công nhận. Tuy nhiên, năm 2019, cựu Tổng thống Donald Trump đã công nhận Israel có chủ quyền với Cao nguyên Golan, khiến dư luận quốc tế dậy sóng.
Đáp trả tuyên bố của ông Bennet, một quan chức ngoại giao Syria cùng ngày khẳng định: "Những phát ngôn và chính sách hiếu chiến như vậy sẽ không thể thay đổi sự thật vĩnh cửu rằng Golan sẽ vẫn là của người Arab và Syria… Nó sẽ sớm trở về với đất mẹ".
Hoa Vũ (T/h)