NATO ‘hài lòng’ về tiến triển trên các mặt trận của Ukrain
Ngày 7/9, ông Jens Stoltenberg - Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhận định rằng chiến dịch phản công của Ukraine đang có tiến triển, dù chậm chạp.
“Lực lượng Ukraine đang dần mở rộng phạm vi kiểm soát… Họ đã có thể chọc thủng các tuyến phòng thủ của phía Nga, và họ đang tiến về phía trước”, hãng tin Reuters dẫn lời ông Stoltenberg trình bày trước Nghị viện châu Âu.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: Reuters
Ông Stoltenberg nói thêm rằng ngay từ đầu phương Tây cũng dự đoán được chiến dịch phản công chỉ có thể tiến triển ở mức chậm.
“Không ai cho rằng đó là điều dễ dàng. Khó có thời điểm nào trong lịch sử chúng ta chứng kiến nhiều mìn đến thế trên các mặt trận như điều đang diễn ra ở Ukraine. Vì thế, rõ ràng là nỗ lực của Ukraine sẽ đối mặt vô vàn khó khăn”, theo Tổng thư ký NATO.
Lãnh đạo NATO đánh giá cao tiến triển trên chiến trường của Ukraine: “Vào lúc khởi điểm, Nga sở hữu quân đội mạnh thứ hai thế giới. Và giờ đây quân Nga chỉ mạnh thứ hai ở Ukraine. Người Ukraine thật sự gây ấn tượng”.
Hiện cả Ukraine và Nga đo lường chiến thắng dựa vào việc tăng cường kiểm soát thêm các ngôi làng hoặc những mảnh đất nhỏ bé. Tuy nhiên, bất chấp tuyên bố tiến quân của Ukraine lẫn NATO, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu tiếp tục khẳng định Ukraine chưa đạt được bất kỳ thắng lợi nào kể từ khi triển khai chiến dịch phản công.
Trước đó, hãng tin RT dẫn thông tin từ Bộ trưởng Shoigu cho hat, rằng lực lượng Ukraine mất đi hơn 66.000 binh sĩ và ít nhất 7.600 vũ khí hạng nặng trong vòng 3 tháng phản công.
Phòng không Ukraine tính kế chặn đòn tập kích của Nga vào mùa đông
Theo thông tin mới nhất hãng tin Reuters, gần một nửa hệ thống năng lượng của Ukraine đã bị hư hại sau các cuộc tấn công của Nga vào mùa đông năm 2022, khi Moscow dùng tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) để tấn công nhiều nhà máy điện và trạm biến thế của Ukraine. Có những thời điểm, hàng triệu người dân Ukraine sống trong cảnh mất điện.
Mối đe dọa từ các cuộc tấn công của Nga vào mạng lưới điện Ukraine vẫn đáng lo ngại, sau khi nhiều báo cáo cho hay Moscow đã xây dựng những cơ sở riêng để sản xuất UAV tấn công dựa trên mẫu UAV Shahed-136 của Iran.
Lính Ukraine vận hành pháo phòng không tự hành Gepard. Ảnh: Reuters
Tuần trước, quan chức tình báo Ukraine Vadym Skybytskyi cho biết Moscow có thể bắt đầu sử dụng thêm các UAV Shahed cùng với tên lửa để làm khó lực lượng phòng không Ukraine. Cũng theo ông, khả năng Nga sẽ tấn công vào các cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine từ cuối tháng Chín, hoặc đầu tháng 10.
Sau khi khắc phục phần lớn thiệt hại về cơ sở hạ tầng năng lượng sau các đòn tấn công của Nga, Ukraine còn đang tăng cường các hệ thống phòng không như sử dụng pháo phòng không tự hành Gepard do Đức sản xuất.
Giới phân tích quân sự thế giới cho biết, UAV Shahed có giá khoảng 20.000 USD/chiếc. Trong khi tên lửa phòng không do phương Tây cung cấp và được Ukraine sử dụng vào mùa đông năm 2022 có giá cao hơn nhiều lần.
Còn theo Tướng Serhiy Naiev, chỉ huy Lực lượng hỗn hợp các lực lượng vũ trang Ukraine, mỗi phát đạn mà hệ thống phòng không Gepard bắn ra hiện có giá chưa tới 1.000 USD, khiến chúng trở thành vũ khí có chi phí tiết kiệm hơn.
Trước đó vào tháng 8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố Nga đã phóng gần 2.000 UAV Shahed kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ.
Phương Uyên (T/h)